Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sôi động thị trường vải may mặc hè 2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đầu hè hàng về ồ ạt, chỉ một số mặt hàng giá nhập vào tăng như lanh, thô, cotton, voan đến 10% do sức tiêu thụ tốt còn hầu hết các loại vải khác đều chững giá chờ tăng.

Thị trường vải may mặc mùa hè đã bắt đầu sôi động với nhiều chủng loại mới, hoa văn, màu sắc thời thượng. Giá mặt hàng này tính đến thời điểm hiện tại có xu hướng tăng nhẹ.

Theo chị Vũ Thị Đoan Trang, chủ cửa hàng 3A phố vải Phùng Khắc Khoan, năm nay có hàng cotton lụa, lụa chun, ren thêu là những loại vải mới về được nhiều khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, các bạn trẻ lại ưa chuộng loại vải thô giả bò, vải denim, voan... để may những chiếc áo trẻ trung, chất liệu thoáng mát.
 
Sôi động thị trường vải may mặc hè 2013 - Ảnh 1
 
Nhiều loại vải mới với hoa văn, màu sắc thời thượng. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Màu sắc chủ đạo của năm nay là màu bạc hà, các loại màu xanh nhạt dịu mắt đối lập hẳn với xu hướng màu neon nổi bật của năm ngoái. Đặc biệt năm nay, các loại hoa văn cỡ lớn, in hoa cổ điển và hoa văn 3D hiện đại được khách đặt hàng nhiều.

Giá tham khảo của một số loại vải trên như sau: cotton lụa giá từ 40.000 – 60.000 đồng/m, lụa chun giá 80.000 – 100.000 đồng/m, ren thêu giá từ 280.000 – 380.000 đồng/m, vải thô giả bò giá từ 40.000 – 100.000 đồng/m...

Một số loại vải khác chủ yếu được khách lựa chọn vào đầu hè như : vải lanh giá 55.000 – 60.000 đồng/m, vải đũi giá 140.000 đồng/m, vải thô giá 55.000 – 100.000 đồng/m, voan giá 80.000 – 100.000 đồng/m, cotton giá 100.000 – 150.000 đồng/m... các loại vải may quần như kaki, tuýt-si, tếch... giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/m.

Chị Trần Thị Tuyết, chuyên đưa vải kiện tại chợ Đồng Xuân cho biết, đầu hè hàng về ồ ạt, chỉ một số mặt hàng giá nhập vào tăng như lanh, thô, cotton, voan đến 10% do sức tiêu thụ tốt còn hầu hết các loại vải khác đều chững giá chờ tăng.

"So với những tháng đầu năm, vào hè là dịp bán được hàng nhất do nhu cầu khách hàng lên cao, lượng hàng bán ra cao hơn gấp ba bốn lần. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay vẫn kém hơn do khó khăn chung, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm," chị Tuyết nói./.