Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng bằng những phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, huyện Hoài Đức vẫn duy trì phát triển các ngành kinh tế ở mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất chung các ngành trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ, đạt 72,6% kế hoạch cả năm. Đến nay, Hoài Đức vẫn tiếp tục duy trì 4 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài ra còn 6 xã đạt từ 18 – 19 tiêu chí; 6 xã này đều phấn đấu cuối năm về đích.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức trao danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho các cá nhân tiêu biểu (Ảnh: Nam Bắc) |
Có được kết quả trên, theo ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, là nhờ sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và toàn cán bộ công chức, viên chức, người lao động, trong đó phải kể đến các nhân tố quan trọng trong phong trào “Người tốt, việc tốt”. Điển hình như anh Nguyễn Chí Thuận – Giám đốc Công ty Sililab, một công ty chuyên sản xuất phần mềm máy vi tính. Là người khuyết tật do di chứng của căn bệnh teo cơ, nhưng anh vẫn cố gắng vươn lên trong học tập và công tác xã hội. Năm 2013, với sự nỗ lực của bản thân, anh đã tốt nghiệp cao học, có bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, anh còn là người sáng lập và điều hành mọi hoạt động của Hội thanh niên tích cực Minh Khai với hai mục đích chính là giúp đỡ nhau và làm những công việc có ích. Một tấm gương khác, đó là ông Nguyễn Viết Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Phú Vĩnh Hưng. Ông là đại diện một doanh nghiệp lớn nhưng trong quá trình hoạt động kinh doanh, bản thân và gia đình luôn chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công ty của ông đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 250 lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra ông và gia đình còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động từ thiện tại địa phương, quyên góp, ủng hộ hàng chục triệu mỗi năm. Không chỉ có những tấm gương làm kinh tế, mỗi việc làm, mỗi nghĩa cửa cao đẹp trong cuộc sống này đều đáng được biểu dương, khen ngợi. Điển hình là cô Nguyễn Thị Hằng – Giáo viên Trường THPT Hoài Đức A. Là người có phẩm chất, lối sống lành mạnh, luôn chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, từ nhiều năm nay, cô Hằng luôn tích cực tham gia và hướng cho học sinh của mình làm công tác từ thiện, giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Cô và học trò đã tập kết được 40 bao tải quần áo đã qua sử dụng, 250 đôi dép tổ ong, 168 cặp lồng đựng cơm; hàng trăm chiếc thìa, khăn mặt gửi lên cho các học sinh nghèo trên tỉnh Cao Bằng. Bản thân cô cũng ủng hộ vật dụng cá nhân cho nhiều người có hoàn cảnh éo le ở các tỉnh vùng cao khác. Tương tự, các cá nhân như bà Nguyễn Thị Hậu – Giám đốc Công ty Tân Hoàng Gia; bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ La Phù… đã tích cực vận động quyên góp ủng hộ các chiến sỹ ngoài biển đảo, người tàn tật, đồng bào lũ lụt… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì đều đã được 7 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đứng ra nhận phụng dưỡng với mức tiền tối thiểu 500.000 đồng/tháng. Tuy đạt được những kết quả quan trọng, song phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của huyện Hoài Đức vẫn còn những hạn chế nhất định. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào này, ông Vương Duy Hướng – Bí thư Huyện ủy Hoài Đức cho rằng, trong thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong cách làm, coi đây là công việc thường xuyên, liên tục. Huyện sẽ đa dạng hóa các phong trào thi đua yêu nước; lồng ghép các phong trào thi đua với các chương trình, cuộc vận động để lựa chọn ra những gương “Người tốt, việc tốt”, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng ở các cấp phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn.