Kinhtedothi - Ngày 5/4/2014, báo Kinh tế & Đô thị online có bài: "Tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm: Có hay không xây dựng trái phép trên đất trang trại VAC?" đề cập đến một số bất cập trong cho thuê đất trái thẩm quyền tại đây. Qua tìm hiểu, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã phát hiện thêm hàng loạt những "nghi vấn" cần làm rõ.
Xã ký hợp đồng cho thuê
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24/12/2003, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 2186/QĐ-UB về việc Phê duyệt phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Cánh Buồm, xã Ninh Hiệp. Ngày 25/12/2003, UBND xã Ninh Hiệp thông qua Quy chế số 159/QC-UB về đấu thầu quyền thực hiện "Phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Cánh Buồm". Ngày 22/7/2004, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 524/QĐ-UB về việc "Công nhận kết quả đấu thầu quyền thực hiện Phương án nâng cao hiệu quả sử dụng khu đất Cánh Buồm". Người trúng thầu là ông Lý Duy Thành (xóm 7, xã Ninh Hiệp).
Ngay sau khi được UBND huyện công nhận kết quả đấu thầu, ngày 11/8/2004, UBND xã Ninh Hiệp ký Hợp đồng số 191/HĐ-UB cho ông Thành thuê khu đất Cánh Buồm, thời hạn 5 năm, để phát triển kinh tế VAC. Đến ngày 27/7/2009, UBND xã Ninh Hiệp có Tờ trình số 328/UBND-TTr về việc "Đề nghị phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung, cải tạo nâng cao hiệu quả khu Cánh Buồm - phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ xã Ninh Hiệp". Ngày 4/3/2010, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc "Cho phép đầu tư bổ sung phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Cánh Buồm". Trên cơ sở đó, ngày 10/3/2010, UBND xã Ninh Hiệp tiếp tục ký Hợp đồng số 85A/HĐ cho ông Thành thuê khu đất Cánh Buồm với thời gian là 20 năm, ký hợp đồng mỗi chu kỳ là 5 năm nhằm "phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ".
Như vậy, UBND xã Ninh Hiệp đã ký hợp đồng cho ông Thành với dự án này có mục đích phát triển kinh tế gia đình chứ không phải dự án công ích (?).
Liệu có đúng luật?
Như đã nêu, việc đầu tư bổ sung, cải tạo nâng cao hiệu quả khu Cánh Buồm để sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước, đất đai; cải tạo khu vực bờ ao thành vườn trồng cây ăn quả, cây cảnh nâng cao hiệu quả kinh tế; cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường. Ngoài ra, còn một số hạng mục khác được đầu tư bổ sung là nhà bảo vệ, nhà điều hành, giới thiệu sản phẩm, nhà kho, nhà kính... Tuy nhiên, hiện trạng của nhiều công trình bị "biến tướng" như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư Phạm Hồng Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Theo quy định tại Điều 37, Luật Đất đai năm 2003: UBND xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. UBND các cấp không được ủy quyền trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Do vậy, UBND xã Ninh Hiệp cho thuê đất trong trường hợp này là trái thẩm quyền. Ngoài ra, việc sử dụng đất phải bảo đảm nguyên tắc đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất. Nhà nước nghiêm cấm hành vi sử dụng đất không đúng mục đích".
Theo Luật sư Sơn, tại Điều 10, Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định rõ: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng (TTXD) đô thị trên địa bàn, ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo thẩm quyền; Chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm TTXD đô thị trên địa bàn... Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra Chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện quản lý TTXD đô thị thuộc địa bàn;...
Tuy pháp luật đã quy định rõ, nhưng trả lời một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Bá Khánh - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp lại cho rằng, thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện? Đề nghị UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc, tránh đơn thư phản ánh kéo dài. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc những thông tin mới nhất của vụ việc.
Công trình xây dựng trái phép trên đất trang trại.
|