Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sóng ngầm trên Vịnh Ba Tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ trung tuần tháng 9, thông tin về cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên IMCMEX của Mỹ và 29 quốc gia kéo dài từ 19 - 27/9 tại vùng Vịnh đã tạo ra những đợt sóng ngầm trên Vịnh Ba Tư.

Không chỉ là lời cảnh báo đối với sự lớn mạnh về tiềm lực quân sự của Iran, IMCMEX còn phát đi thông điệp trấn an các đồng minh ở  vùng Vịnh rằng, Mỹ luôn có sẵn những giải pháp quân sự để ngăn chặn cái gọi là mối đe dọa hạt nhân từ Tehran.

Trên thực tế, dù Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã gây sức ép về ngoại giao và kinh tế lên Iran nhưng nạn nhân đầu tiên trong cuộc đối đầu này lại không phải là Tehran. Sức ép từ cung dầu phục vụ cho tăng trưởng đã buộc Washington phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo điều kiện để các nước này tái nhập khẩu "vàng đen" từ Iran. Bước lùi trên của Mỹ và EU cùng với sự đổ vỡ của một loạt các cuộc đàm phán giữa Tehran và nhóm P5+1 cho thấy, phương Tây đã thất bại trước sự "cứng đầu" của Iran. Đặc biệt, sau khi trở thành Chủ tịch luân phiên của Phong trào không liên kết (NAM) và tân Tổng thống Ai Cập "bật đèn xanh" cho tiến trình bình thường hóa quan hệ với Tehran, cơ hội tăng cường sức mạnh của Iran trong cuộc đối đầu với phương Tây trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nhằm đáp trả lại "sự hiện diện của các thế lực không thuộc khu vực tại Vịnh Ba Tư là bất hợp pháp và không cần thiết", Iran đã công bố kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại phía Nam vào khoảng tháng 3/2013, thậm chí Tehran còn không hề dấu diếm ý đồ tăng cường sự hiện diện tại Nam Cực. Mâu thuẫn giữa Iran với phương Tây đã định hình từ lâu nhưng sự leo thang của những tuyên bố và hành động đáp trả của các bên đã tích tụ thêm sức mạnh cho những đợt sóng ngầm tại Vịnh Ba Tư. Và hậu quả mà các đợt sóng ngầm này gây ra chắc chắn sẽ gây ra tổn thất lớn cho cả khu vực và thế giới.