Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự chủ động của “chủ nhà”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở góc độ của một giảng viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch (DL) và lữ hành (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội), ông Trịnh Lê Anh thừa nhận quảng bá DL qua điện ảnh là kênh hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

Ông nhìn nhận thế nào về việc quảng bá hình ảnh đất nước qua điện ảnh mà Việt Nam đang làm?Sự chủ động của “chủ nhà” - Ảnh 1

Gần đây, chúng ta mới bắt đầu làm những bộ phim có cảnh quay về điểm DL đẹp, giúp tạo ra các luồng khách mới. Đây là tín hiệu tốt, cũng là gợi ý hữu hiệu cho các địa phương. Như vừa rồi, khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ công chiếu, lượng khách đổ đến vùng đất Phú Yên nhiều hơn hẳn, bởi những hình ảnh đẹp trong phim hấp dẫn họ. Hay trước đây, loài hoa tam giác mạch mọc đầy ở Hà Giang được ít người để ý, nhưng nhờ những hình ảnh hoa tuyệt đẹp được lan truyền trên mạng xã hội mà người ta đua nhau đến Hà Giang. Nắm bắt được tâm lý này, từ tháng 11 năm nay, Hà Giang quyết định mở lễ hội hoa tam giác mạch thu hút khách đến. Đây cũng là cách tỉnh Hà Giang bảo tồn, phát triển, tạo thương hiệu riêng mình, thay vì lâu nay du khách đến đây chỉ biết tới cao nguyên đá Đồng Văn.

Việc quảng bá DL qua điện ảnh sẽ tốn kinh phí, trong khi nguồn ngân sách dành cho hoạt động này hết sức hạn hẹp?

- Tôi biết, về thực lực, nguồn đầu tư của Nhà nước cho quảng bá DL còn hạn chế. Nếu chúng ta cứ ngồi chờ thì chẳng làm được việc gì. Chúng ta có cảnh đẹp, tại sao không mời các đạo diễn nổi tiếng đến làm phim? Khi hình ảnh được quảng bá, khách đến nhiều hơn và chi tiêu cũng nhiều. Như vậy, theo tôi, điều đầu tiên các địa phương cần làm là tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Thứ hai, để công tác quảng bá thật sự mạnh, cần huy động kinh phí từ các DN đóng trên địa bàn. Tiếp đến là biết cách giới thiệu mình thông qua mạng xã hội, “cơ chế truyền miệng” từ những người thực tế đến trải nghiệm. Đây là cách làm văn minh mà không tốn tiền.

Theo ông, Việt Nam học được gì từ Hàn Quốc trong cách khuếch trương điểm đến?

- Chúng ta có tài nguyên DL rất tốt, người dân thân thiện, hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho các đạo diễn thế giới đến làm phim. Chúng ta không nên tạo ra rào cản cho họ trong việc xin visa, xin cấp phép ghi hình. Theo tôi, chúng ta cần có chính sách cởi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho người ta đến giúp mình quảng bá hình ảnh. Và, phải thật sự hiếu khách, cũng như làm sao để hai bên cùng có lợi trong quá trình hợp tác. Vấn đề quan trọng trước tiên là phải cởi mở từ trong tâm thế của mình.

Vậy, riêng với Hà Nội, theo ông, nên quảng bá hình ảnh qua kênh điện ảnh thế nào để thu hút nhiều hơn khách trong và ngoài nước?

- Thực ra, Hà Nội có khá nhiều cơ hội trong các bộ phim của các đạo diễn trong và ngoài nước. Nhưng tôi nghĩ chưa đủ, mà cần có chiến lược mời gọi, vì sau nhiều năm xem phim, người ta sẽ quên đi. Bởi vậy, cứ 1 - 2 năm, Hà Nội nên có một bộ phim xuất hiện trên nền điện ảnh thế giới, nhất là những bộ phim hay của Mỹ được cả thế giới đón xem. Trong bộ phim ấy chỉ cần có một cảnh về Hà Nội thời hiện đại và có tên trong lời giới thiệu về bộ phim là sẽ góp phần quảng bá mọi người đến với Hà Nội. Ngoài ra là trải nghiệm cuộc sống của người dân Phố cổ, thưởng thức những món đặc sản, những điểm đến hấp dẫn mà chẳng nơi nào có… Để làm được việc này, Hà Nội cần chủ động, chủ động cả trong lời mời các nhà làm điện ảnh nước ngoài, các kênh truyền hình đến và sử dụng bối cảnh quay ở Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!