Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự chủ động, quyết liệt từ cấp ủy đóng vai trò quan trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước" đã qua hơn một năm thực hiện.

Đánh giá ban đầu cho thấy, đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó nguyên nhân chính lại đến từ sự vào cuộc thiếu quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đức, Bí thư Chi bộ Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK cho biết: Hiện Chi bộ đang sinh hoạt tại Đảng bộ phường Ngọc Khánh. Tuy nhiên, do nội dung hoạt động của Chi bộ của doanh nghiệp khác với chi bộ khu dân cư nên khi tham gia sinh hoạt cũng rất khó hòa nhập, hiệu quả thấp. Bởi lẽ, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc tại cơ sở như đường, chợ, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị… được nêu ra, trong khi DN lại chủ yếu quan tâm đến sản xuất kinh doanh nên việc dự họp mang nặng tính hình thức. Ông Đức cho rằng, không nên chỉ chú trọng quan tâm đến việc thành lập tổ chức Đảng nhiều hay ít mà cần có cơ chế tạo điều kiện để công tác Đảng trong các DN hoạt động hiệu quả, phù hợp hơn. Vì vậy, chi bộ DĐK đề nghị nên sớm thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp của quận để các đơn vị có thể "ngồi lại" với nhau nhằm đưa ra các phương án thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất…

Sự chủ động, quyết liệt từ cấp ủy đóng vai trò quan trọng - Ảnh 1

Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Trong ảnh:  Phân xưởng may Công ty Giày Thụy Khuê. Ảnh: Quỳnh Anh

Về phía DN là có vướng mắc như vậy, còn tại một số địa phương, khó khăn lại đến chính từ cấp ủy, chính quyền sở tại. Đơn cử như tại huyện Mê Linh, cả năm 2012, Mê Linh không thành lập được thêm tổ chức Đảng nào thuộc DN ngoài khu vực Nhà nước và chỉ kết nạp được duy nhất một đảng viên mới trong khu vực này. Các tổ chức khác như Công đoàn cơ sở, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên cũng chỉ phát triển thêm mỗi tổ chức một cơ sở. Với số lượng DN ngoài khu vực Nhà nước là 673, trong đó có ít nhất 5 DN đã có từ 3 đảng viên trở lên nhưng cũng chưa có tổ chức Đảng. Trước thực trạng này, có ý kiến đổi lỗi do chủ DN chưa tạo điều kiện, DN có ít đảng viên, nguyện vọng của DN muốn thành lập Chi bộ trực thuộc Huyện ủy, không muốn trực thuộc Đảng ủy xã… Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Đỗ Minh Tuấn thẳng thắn thừa nhận: "Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có lúc còn chưa thực sự kiên quyết. Sự phối hợp giữa các phòng, ban, ngành của huyện cũng chưa tốt".

Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Minh Hạnh khẳng định, Nghị quyết 09 cho phép cấp ủy địa phương vận dụng linh hoạt các hình thức để thành lập tổ chức Đảng trong DN. Trường hợp DN có nguyện vọng muốn chi bộ trực thuộc Huyện ủy là hoàn toàn có thể giải quyết được. Ngoài ra, không nhất thiết phải đủ đảng viên trong cùng một DN mới thành lập được chi bộ. Huyện ủy có thể tổ chức chi bộ ghép giữa nhiều DN với nhau hoặc cử đảng viên của mình xuống DN sinh hoạt cùng…

Để việc triển khai Nghị quyết có hiệu quả, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến cho rằng, việc chủ DN chưa thông, thiếu cộng tác không phải cá biệt, vì thế, đòi hỏi quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, BCĐ phải phân công cụ thể, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu và thời hạn thực hiện cho từng thành viên. Nhất thiết phải tìm hiểu sâu về thực tế DN để khi vận động có sự linh hoạt vận dụng, nếu cần trực tiếp lãnh đạo huyện tham gia gặp gỡ, trao đổi. Theo Phó Bí thư Thành ủy, sở dĩ một số địa phương triển khai chưa đạt hiệu quả cao vì lãnh đạo chưa đủ quyết tâm và cách làm sâu sát. Đây cũng chính là những vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thời gian tới để Nghị quyết 09 thực sự đi vào cuộc sống.