Sự cố sập hầm thủy điện: Khả năng kết cầu hầm có vấn đề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/12, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo, ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Bộ Xây dựng kiến nghị cần phải tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm.

Trước mắt, cần đình chỉ việc thi công công trình này, phong tỏa hiện trường và hồ sơ của công trình để phục vụ việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. 

Sự cố xảy ra vào sáng ngày 16/12 đã khiến 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm có nguy cơ thiệt mạng. Mặc dù công tác giải cứu đã thành công nhưng Bộ Xây dựng cho rằng cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm.

Chất lượng công trình thuộc về trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu

Có mặt và tham gia công tác chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định: Trong mọi trường hợp thì chủ đầu tư, nhà thầu là đơn vị chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình.
Sự cố sập hầm thủy điện: Khả năng kết cầu hầm có vấn đề - Ảnh 1
Lực lượng cứu hộ khẩn trương tiến hành công tác cứu hộ trong đường hầm.
Theo phân tích của Thứ trưởng Lê Quang Hùng, dù trước mắt chúng ta chưa thể nói chính xác nguyên nhân xuất phát từ đâu, tuy nhiên qua quan sát tại hiện trường, cũng như trước một sự việc mà hàng nghìn mét khối đất đá đã sụp trong quá trình thi công, thì kết cấu hầm "có vấn đề." 

Về nguyên tắc nguyên nhân có thể xuất phát từ rất nhiều khâu, trong đó có 5 khâu cốt yếu: Thứ nhất,do điều kiện địa chất phức tạp. Thứ hai,công tác khảo sát địa chất không tốt. Thứ ba, công tác thiết kế chưa tuân thủ đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thứ tư, công tác thi công chưa đúng thiết kế. Thứ năm, khâu giám sát thi công không chặt chẽ...

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng cần phải xét theo từng thời điểm.Trên thực tế, công trình này được thi công kéo dài từ năm 2003 cho tới nay. Suốt giai đoạn đó có nhiều Pháp lệnh khác nhau được ban hành. Trước năm 2013 các trách nhiệm liên quan sẽ được căn cứ vào Nghị định 209. Từ sau năm 2013 thì căn cứ vào Nghị định 15. Từ đó, mới xác định được cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chia sẻ.

Trước đây theo Nghị định 209, tức là trước năm 2013, các cơ quan quản lý Nhà nước không có kiểm tra, kiểm soát cụ thể trong quá trình thiết kế và thi công, mà chỉ quản lý Nhà nước trên cơ sở ban hành văn bản và kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật.

Còn sau năm 2013, căn cứ vào Nghị định 15 có những phân định rõ là đối với công trình thủy điện là ngành Công thương có trách nhiệm thẩm tra thiết kế và thẩm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công công trình.

Từ năm 2013, Bộ Xây dựng đã đề xuất Nghị định 15 trong đó tăng cường quản lý chất lượng ở các khâu. Đầu tiên, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra thiết kế cũng như kiểm tra trong quá trình thi công.

Tiếp đó, các nhà thầu, tổ chức các nhân hoạt động phải công bố thông tin về năng lực để chúng ta có thể kiểm soát thông tin về năng lực đó. Đó là những nét chính cần tăng cường cùng với các quy chuẩn tiêu chuẩn, kiểm tra giám sát kịp thời. Những giải pháp này nhằm tăng cường siết chặt quản lý chất lượng công trình nói chung trong đó có công trình thủy điện.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để ngăn ngừa các sự cố sau này

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, mỗi một sự cố xảy ra cũng để lại nhiều bài học liên quan đến vấn đề thi công, liên quan đến vấn đề giám sát, liên quan đến vấn đề áp dụng các tiêu chuẩn quy chuẩn.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố sập hầm thủy điện, nhưng đây là sự cố nghiêm trọng, cho nên chắc chắn sau sự cố này phải xác định chính xác nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, từ đó rút ra bài học để ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra. Dự án thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo gồm hai công trình là nhà máy thủy điện Đạ Dâng thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương công suất 14MW, Nhà máy thủy điện Đa Chomo, thuộc xã Phi Tô, huyện Lâm Hà công suất 9MW. Đây là công trình xây dựng thuộc cấp 3.

Dự án được thực hiện theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý và được khởi công vào tháng 12/2003. Các chủ thể có liên quan đến dự án này bao gồm Chủ đầu tư công trình ban đầu là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, đến năm 2007 chuyển đổi chủ đầu tư sang Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội.

Cùng đó, nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật là Viện thiết kế thủy lợi và điện lực Nam Ninh (Trung Quốc) và Nhà thầu tư vấn thiết kế hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và tư vấn thủy lợi điện lực.

Nhà thầu tư vấn giám sát thi công là Công ty cổ phần tư vấn Nhật Thăng-VNT6. Nhà thầu thi công hạng mục hầm dẫn nước thủy điện Đạ Dâng, ban đầu do Công ty cổ phần Xây dựng Lũng Lô 2 triển khai, sau đó chuyển sang Công ty cổ phần Xây dựng công trình ngầm (Vinavico) thực hiện đào và gia cố đoạn 600m đầu hầm và nay chuyển Công ty cổ phần Sông Đà 505 thi công vỏ bọc bêtông (đoạn còn lại do Công ty cổ phần Sông Đà 10 thi công).

Sự cố sập kết cấu hầm dẫn nước công trình thủy điện Đạ Dâng xảy ra tại vị trí cách cửa hầm khoảng 460m, với hàng trăm mét khối đất đá sụt xuống lấp kín đường hầm làm ngăn cách, cô lập và có nguy cơ cao thiệt mạng 12 công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 đang thi công trong hầm.

Với mọi nỗ lực cao nhất của các bên liên quan có mặt tại hiện trường, đã áp dụng đồng thời các giải pháp và nhiều hướng tập trung giải cứu, đến khoảng 16 giờ 30 ngày 19/12, các công nhân bị mắc kẹt đã được đưa ra an toàn khỏi đoạn hầm sự cố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần