Truyền thông quốc tế đưa tin cố vấn an ninh Mỹ Susan Rice bị một quan chức Trung Quốc quát tháo và chặn đường tại sân bay Hàng Châu. Nhưng điểm đáng chú ý hơn trước đó là Tổng thống Mỹ Barack Obama không được cung cấp cầu thang rời khỏi máy bay. Sự cố ngoại giao bất ngờ Trung Quốc từng trải thảm đỏ tiếp đón nhiều nguyên thủ thế giới, từ Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Nga, Tổng thống Hàn Quốc, tới Thủ tướng Anh đến đây tham dự hội nghị G20 vào sáng 4/9. Nhưng Tổng thống Mỹ - lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới lại buộc phải rời chiếc Air Force One qua cửa kế nhỏ hẹp bên thân máy bay, và không được cung cấp thang trải thảm đỏ để xuống đất. Tờ New York Times bình luận, “việc tiếp đón Tổng thống Obama và quan chức Mỹ vào trưa 3/9 thật xúc phạm, dù là với tiêu chuẩn Trung Quốc”.
Jorge Guajardo, cựu Đại sứ Mexico ở Trung Quốc cho rằng, sự cố này nằm trong kế hoạch tính sẵn của Bắc Kinh. “Chẳng có gì là tình cờ hay sai sót. Nhất là với người Trung Quốc”, ông Guajardo nói. Cựu đại sứ này từng tham gia tiếp đón Tổng thống Enrique Peña Nieto và người tiền nhiệm Felipe Calderón tới Bắc Kinh. “Tôi đã có thời gian 6 năm làm việc ở Trung Quốc và từng tham gia những vụ tiếp đón cấp cao tương tự. Tôi từng tháp tùng ông Tập Cận Bình tới Mexico và cũng từng đón 2 Tổng thống Mexico tới Trung Quốc. Tôi biết rõ những sự kiện như thế này vận hành ra sao. Chúng được chú ý đến từng chi tiết. Do đó, (sự cố tại sân bay Hàng Châu) chắc chắn không phải do sai sót”, ông Guajardo khẳng định. Đại sứ Mexico tại Trung Quốc nhiệm kỳ 2007-2013 nhận định, “Đó là cố tình. Đó là cách Trung Quốc bày tỏ sự ngạo mạn. Tôi cho rằng đây là cách Chủ tịch Tập Cận Bình chơi quân bài yêu nước”. Phản ánh căng thẳng Mỹ - Trung? Trong khi đó, Bill Bishop, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đồng ý rằng, việc tiếp đón ông Obama tại Hàng Châu có vẻ đáng ngờ, giống như chủ ý “khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên nhỏ bé và yếu ớt”. Bishop bổ sung: “Thực tế, chúng ta không có bằng chứng… Nhưng việc Trung Quốc sốt sắng suốt 1 năm qua để chuẩn bị cho kỳ hội nghị G20 mà vẫn để xảy ra sai sót trong quá trình tiếp đón một vị Tổng thống thì thật đáng nghi ngờ.” Một quan chức ngoại giao Trung Quốc tham dự cuộc tiếp đón tại sân bay này lại cho rằng, phái đoàn Mỹ đã từ chối sử dụng cầu thang trải thảm đỏ như thường lệ. “Trung Quốc vẫn luôn cung cấp cầu thang trải thảm để tiếp đón nguyên thủ tới đây bằng máy bay, nhưng phía Mỹ phàn nàn rằng người lái xe chở cầu thang không nói được tiếng Anh và không thể hiểu yêu cầu của phía Mỹ; do đó Trung Quốc đề xuất một phiên dịch viên ngồi cạnh người lái xe, nhưng phía Mỹ sau đó từ chối và cho rằng không cần cầu thang trải thảm từ nước chủ nhà G20 nữa”, quan chức giấu tên chia sẻ với tờ Báo Hoa Nam Buổi sáng. Đáp lại về sự cố tiếp đón này, Tổng thống Mỹ cho rằng không nên “thổi phồng” ý nghĩa của nó và đây không phải lần đầu có sự cố như vậy. Ông Obama cũng cho rằng có thể, phía Trung Quốc choáng ngợp trước số lượng phái đoàn Mỹ “quá đông” nên đã gây ra sai sót. Trong khi đó, bà Susan Rice, Cố vấn an ninh Mỹ, người bị quan chức Trung Quốc chặn đường và quát tháo ở sân bay thì chia sẻ: “Họ làm những điều không thể lường trước được”. Theo The Guardian, việc tiếp đón ông Obama thiếu trọn vẹn và màn cãi cọ giữa giới chức Trung Quốc với giới chức Mỹ và phóng viên ở sân bay Hàng Châu, gợi nhớ lại căng thẳng tiềm tàng giữa hai bên. Washington và Bắc Kinh vẫn luôn gặp khác biệt trong các vấn đề nhân quyền, an ninh mạng và việc tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với các nước khác trên Biển Đông. Tờ Washington Post thì cho rằng, việc hạ cánh có phần không mấy suôn sẻ ở Hàng Châu của phái đoàn Mỹ là “phản chiếu hoàn hảo cho mối quan hệ nổi sóng giữa hai cường quốc”.