Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sử dụng 100% vốn xã hội hóa trong xây dựng trạm thông tin du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian vừa qua, nhiều người dân phản ánh việc các trạm thông tin du lịch tại các tuyến phố trung tâm Hà Nội đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội về vấn đề này.

Các trạm thông tin du lịch do không bảo dưỡng thường xuyên nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng gây lãng phí ngân sách, vậy có phải kinh phí xây dựng những trạm thông tin du lịch này được lấy từ ngân sách Nhà nước không thưa ông?

Nhằm cung cấp thông tin cho khách, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại, ngày 14/6/2006, thành phố có Quyết định số 4033/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án lắp đặt trạm thông tin du lịch tự động tại Hà Nội với quy mô 200 trạm. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ lắp đặt 70 Kiosk và hoàn thành 15/12/2006, nhưng trong thực tế mới triển khai 37 trạm. Dự kiến, sau thời gian thử nghiệm của giai đoạn 1, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai lắp đặt thêm 130 trạm thông tin nữa, nhưng đến nay chưa lắp đặt thêm trạm thông tin du lịch nào.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội
Các trạm thông tin du lịch được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp kinh phí xây lắp. Ngày 29/9/2006 Sở Du lịch Hà Nội (nay là Sở VH-TT&DL Hà Nội) đã có Quyết định số 769/QĐ-SDL giao cho Công ty TNHH Quảng cáo Đất Việt (Công ty CP quảng cáo Đất Việt) làm chủ đầu tư triển khai thực hiện đề án. Đến ngày 15/12/2013 theo hợp đồng với chủ đầu tư là kết thúc dự án, nhà đầu tư phải chuyển giao lại cho Sở VH-TT&DL Hà Nội sử dụng, khai thác 37 trạm thông tin du lịch tự động trên địa bàn thành phố.

Như vậy, tôi khẳng định Nhà nước không cấp kinh phí xây lắp các trạm thông tin du lịch, do đó không có việc ngành du lịch Hà Nội gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng tại dự án xây lắp các trạm thông tin du lịch như người dân phản ánh.

Các trạm thông tin du lịch đã hoạt động được một thời gian, vậy ông nhận xét như thế nào về những mặt được và chưa được của việc triển khai xây dựng, khai thác các trạm thông tin này?

Tính đến nay những trạm thông tin du lịch này đã hoạt động được hơn 7 năm, trong quãng thời gian đó các trạm thông tin đã cung cấp một số dịch vụ thông tin về du lịch Hà Nội cho khách du lịch quốc tế, nhất là du khách các quốc gia Bắc Mỹ, Châu Âu... là các quốc gia có loại hình cung cấp thông tin du lịch kiểu này. Đây cũng là định hướng trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, khi nhằm vào đối tượng khách du lịch của các nước phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành những trạm thông tin này cũng bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Tại thời điểm triển khai đề án, nhà đầu tư đã tính đến yếu tố thời tiết nhưng chưa lường trước được sự khắc nhiệt của thời tiết miền Bắc đã khiến các thiết bị điện tử xuống cấp nhanh chóng.

Bên cạnh đó chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý đô thị dẫn đến tình trạng chồng chéo đào hè đường của điện lực, viễn thông, cấp thoát nước… làm mất điện cục bộ, giảm khả năng ứng dụng của thiết bị điện tử. Không chỉ có vậy, vẫn còn hiện tượng ý thức của một số người sử dụng (chủ yếu là người dân) chưa cao dẫn đến việc nghịch, phá, hoặc sử dụng trạm thông tin cho mục đích cá nhân dẫn đến thiết bị hư hỏng.

Từ tháng 1/2014 các trạm thông tin đã được bàn giao cho ngành du lịch quản lý, khai thác, vậy trong thời gian tới ngành du lịch Thủ đô sẽ có giải pháp khắc phục những bất cập này như thế nào, thưa ông?

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc vận hành, khai thác các trạm thông tin du lịch này, ngay sau khi kết thúc dự án Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề xuất 2 phương án đối với các trạm thông tin du lịch trên địa bàn như sau:

Phương án 1: Sở VH-TT&DL tiếp tục duy trì những trạm thông tin du lịch này theo hướng cải tạo, nâng cấp 37 trạm thông tin cũ và đổi mới công nghệ, nâng cấp thiết bị kỹ thuật. Thiết kế hình thức gọn và đẹp hơn. Việc nâng cấp này được thực hiện theo hình thức xã hội hóa 100% vốn đầu tư.

Phương án 2: Thanh lý toàn bộ dự án do hệ thống đã xuống cấp, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu thông tin hiện tại.

Tuy nhiên, với quan điểm tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến thăm quan Hà Nội, Sở VH-TT&DL Hà Nội mong muốn UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án duy tu, cải tạo, khai thác 37 trạm thông tin du lịch bằng hình thức xã hội hóa nguồn vốn đầu tư.

Xin cảm ơn ông!