Sự kiện công nghệ tuần: Việt Nam sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cảnh báo tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội, sẽ có hệ thống cảnh báo, chặn lọc thông tin sai phạm... là tiêu điểm tuần qua.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
 
Theo thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại họp báo Chính phủ ngày 3/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 diễn ra cùng ngày có chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo.
Trong đó có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng như báo cáo Bộ Tài chính đề xuất, giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
Cùng đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, đây là yêu cầu cương quyết. Nhất là vấn đề cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi phí logistic, vận tải biển, đặc biệt là chi phí, hiện tượng chênh lệch giá hãng tàu.
Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, chỉ đạo tập trung ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao. Đối với tiếp cận dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và yêu cầu của doanh nghiệp là phải giảm nhiều hơn nữa.
Bộ Công an cảnh báo tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội
 
Theo Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an trong thời gian gần đây, nhiều người bị đối tượng tự xưng là người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản với só tiền lên đến hàng trăm triệu đồng với thủ đoạn gửi thư vào email của các cá nhân với nội dung đang sở hữu một số tiền lớn cần đầu tư vào Việt Nam và cần sự giúp đỡ; đối tượng hứa nếu được giúp đỡ thì cá nhân đó sẽ được hưởng lợi một số tiền.
Sau khi người nhận được thư trao đổi thông tin với đối tượng, trong quá trình chuyển nhận tiền (không có thực), nhóm tội phạm tạo ra nhiều lý do khác nhau yêu cầu bị hại chuyển cho chúng các khoản tiền phí dịch vụ tương ứng (qua tài khoản cá nhân do chúng cung cấp).
Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân lưu sú không nên liên lạc với các email có gửi thư với nội dung sau hoặc tương tự:
Chào bạn,
Trả lời email cá nhân của tôi để tôi sẽ cung cấp cho bạn thêm chi tiết:

ma2152088@gmail.com

Tôi là Mahmud từ Syria. Tôi đang ở London vào thời điểm này như là một người tị nạn chính trị vì những vấn đề gần đây của đất nước tôi. Tôi có một khoản tiền lớn (Hai triệu $ 2,000.000 USD) với công tay bảo mật ở Châu Á.

Tôi cần sự giúp đỡ khẩn cấp của bạn để nhanh chóng chuyển tiền từ công ty bảo mật hiện tại sang quốc gia của bạn hoặc bất kỳ quốc gia nào bạn chọn để đầu tư vào bất kỳ dự án có lợi nhuận nào ở nước bạn.

Giao dịch này đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức vì tình hình chính trị hiện tại ở nước tôi (Syria) và tôi không muốn mất tiền ở Châu Á.

Đó là một khoản tiền rất lớn và tôi sẵn sàng cung cấp cho bạn 30% số tiền để đứng làm người hưởng lợi và chuyển tiền về nước của bạn để đầu tư. Tôi tin rằng bạn có thể giúp tôi, nếu bạn quan tâm và có thể xử lý này cho tôi trong tất cả các trung thực mà không có bất kỳ sự tin tưởng của sự tin tưởng rằng tôi sẽ nghỉ ngơi trên bạn sau đó liên hệ với tôi để biết thêm chi tiết.

Xin lưu ý rằng giao dịch này là bí mật và phải được giữ bí mật cho tới khi chúng tôi hoàn thành việc chuyển tiền về nước của bạn.

Trả lời email cá nhân của tôi để tôi sẽ cung cấp cho bạn thêm chi tiết: ma2152088@gmail.com.

Ông Mahmud.
Sẽ có hệ thống cảnh báo, chặn lọc thông tin sai phạm
 
Ngày 3/8, Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định 1278 phê duyệt Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đề án này hướng tới cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet, góp phần kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trên mạng internet.
Theo quyết định phê duyệt Đề án, một hoạt động quan trọng của Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet” sẽ được triển khai trong giai đoạn tới là nâng cao lực kỹ thuật, nghiệp vụ để phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet.
Cụ thể, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ xây dựng hệ thống kiểm duyệt và triển khai phần mềm chặn lọc, phát hiện, thu thập, xử lý thông tin sai phạm trên môi trường mạng; triển khai hệ thống cảnh báo, cổng kiểm soát quốc gia chặn lọc các truy cập thông tin sai phạm từ người dùng.
FPT "rút chân" khỏi mảng bán lẻ
 
Theo nghị quyết số 01-08-2017/NQ-HĐQTFPT vừa được công bố, hội đồng quản trị công ty FPT đã thông qua phương án thoái vốn sở hữu tại FPT Retail (tên quen dùng là FPT Shop).
Cụ thể, FPT sẽ bán 30% vốn tại FPT Retail (giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% hiện tại xuống 55%) cho các tổ chức đầu tư tài chính. Tiếp đó, FPT sẽ bán tối đa 10% (giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%) cho nhà đầu tư khác thông qua các công ty chứng khoán. FPT dự kiến hoàn thành phương án thoái vốn trong năm 2017.
Hiện tại có nhiều tổ chức đầu tư tài chính đến từ: Nam Phi, Thái Lan, Nhật… và cả Việt Nam quan tâm đến thương vụ này. Tuy nhiên, danh sách cuối cùng các nhà đầu tư được lựa chọn chưa được công bố vì hai bên đang trong quá trình thương thảo.
Trong khi đó, có thông tin cho rằng tập đoàn Synnex, trụ sở tại Mỹ đang hoàn tất việc mua lại cổ phần FPT Trading. Nhà phân phối này đang trong giai đoạn chuyển giao, tái thiết sau thương vụ. Theo CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), thương vụ bán FPT Trading khó có thể hoàn tất vào cuối năm nay và việc bán FPT Retail sẽ diễn ra trước.
Năm 2017, FPT Retail tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 27,5% và tăng trưởng lợi nhuận trên 40%. Trong đó, FPT Retail tập trung đẩy mạnh mảng thương mại điện tử và tiếp cận khách hàng theo mô hình kinh doanh mới.