Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sự kiện kinh tế tuần] ''Lò xo kinh tế'' phải bật mạnh sau đại dịch Covid-19

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ có nghị quyết để tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh như cái lò xo bị nén bật mạnh ra đuổi kịp thời gian.

Thủ tướng: ''Lò xo kinh tế'' phải bật mạnh sau đại dịch Covid-19
Ngày 10/4, tại diễn ra Hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%), nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. 

Thủ tướng nhận định, dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, bởi vậy phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. 

Thủ tướng nêu quyết tâm: "Hội nghị cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng và trúng để giải quyết việc làm, thúc đẩy nền kinh tế vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian. Chính phủ sẽ có nghị quyết để tập trung tháo gỡ khó khăn. 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh VTV

Tinh thần của Chính phủ là cần tập trung ngay vào các nhiệm vụ trước mắt ngay sau hội nghị. Việt Nam có một tương lai tốt nên cần nắm bắt để tương lai năm 2021, rồi các quý 2, 3, 4 năm nay chúng ta chuẩn bị tốt các điều kiện để bật dậy sau dịch".

Hiện, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn thời dịch Covid-19 như: Gói hỗ trợ về tiền tệ 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa miễn, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đang rà soát, cắt giảm các loại phí, lệ phí. Như: Miễn lệ phí môn bài cho hợp tác xã, Liên hệ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp; hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu; chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện do doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.

Rà soát cắt giảm sâu các loại phí (dự kiến cắt giảm 500 tỷ đồng) gồm: Lệ phí đăng ký doanh nghiệp; phí công bố thông tin doanh nghiệp; phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy hoạt động bưu chính.

 Ảnh minh họa

Đáng chú ý, khoảng 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng. Bao gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh.

Những gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ như gói hỗ trợ giá điện (12.000 tỷ đồng) và gói hỗ trợ giá viễn thông (15.000 tỷ đồng) cũng sẽ được triển khai.

Ngân hàng liên tục ra các gói vay ưu đãi

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) liên tiếp công bố nhiều gói ưu đãi về lãi suất cho vay như ưu đãi như cho vay khách hàng DN lên đến 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp SMEs với lãi suất chỉ từ 7,2%/năm hay cho vay cá nhân kinh doanh.

BIDV cũng vừa công bố gói cho vay duy trì sản xuất kinh doanh mùa Covid 19, lãi suất từ 6,5%/năm với quy mô gói tín dụng lên đến 30.000 tỷ đồng thời hạn từ  31/03 đến 31/07/2010 nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân trong thời kỳ khó khăn bởi dịch COVID-19.

Theo đó, khách hàng mới được hưởng lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho khoản vay dưới 6 tháng và từ 7%/năm đối với khoản vay 6 - 12 tháng. Với khách hàng khác lãi suất từ 7%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 7,5%/năm với khoản vay từ 6 đến 12 tháng.

 HDBank triển khai gói tín dụng bắt đầu từ ngày 6/4/2020 đến hết 31/12/2020

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh - HDBank (HDB) bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng chi trả lương cho CBCNV lãi suất cho vay ưu đãi từ 7,8%, kỳ hạn 12 tháng và giá trị được vay lên tới 100% giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản và được vay thêm không tài sản bảo đảm lên đến 10 tỷ đồng để DN trả lương cho nhân viên.

Bên cạnh đó còn có gói vay ưu đãi ban đầu của Vietcombank (VCB) tương ứng 154 ngàn tỷ đồng (lãi ưu đãi giảm 0,5 - 1,5 điểm %); gói ưu đãi bổ sung là 30.000 tỷ đồng (lãi ưu đãi giảm 2 - 2,5 điểm %).

Ngân hàng Công thương Vietinbank (CTG) tung ra gói 1 là 60.000 tỷ đồng (lãi giảm 0,5 - 1,5 điểm %), gói 2 là 60.000 tỷ đồng (lãi giảm 2 - 2,5 điểm %). Ngân hàng Đầu tư Phát triển BIDV (BID) tung gói 1 là 25.000 tỷ đồng (giảm 0,5 - 1,5 điểm %) và gói 2 là 100.000 tỷ đồng (lãi giảm 2 - 2,5 điểm %).

Các ngân hàng TMCP tư nhân cũng tung ra những gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp quy mô cũng rất lớn. Ngân hàng Á châu (ACB) công bố gói cho vay ưu đãi quy mô 25 ngàn tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5 - 1,5 điểm % và gói bổ sung là 10.000 tỷ đồng (lãi giảm 2 điểm %). Ngân hàng Tiên Phong (TPB) báo gói 1 là 30 ngàn tỷ đồng (0,5 - 1 điểm %) và gói 2 là 12.000 tỷ đồng (giảm 1,5 - 2,5 điểm %)...

Tổng cộng, quy mô của các gói cho vay lãi suất ưu đãi theo Chỉ thị 01, 02 của NHNN nhằm hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn dịch bệnh đã lên tới 600.000 - 700.000 tỷ đồng.

Việt Nam có nguy cơ tăng trưởng âm

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, Kinh tế trưởng của SSI cho rằng, ngoài dịch Covid-19 bùng phát là nguyên nhân chính thì còn có 2 tác động khác cũng kéo tụt tăng trưởng là khô hạn mặn tại ĐBSCL và giá dầu. Bởi vậy chuyên gia nhận định: “GDP quý 1 có một chút may mắn nên tăng được 3,82%, sang quý 2, nếu còn tiếp tục may mắn thì sẽ giữ được khoảng 1%, còn không thì sẽ âm”.

 Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh. Ảnh DT

Theo đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh đưa ra phân tích đối với 6 ngành lớn nhất, chiếm 57% GDP để thấy vì sao quý 2 có thể sẽ âm là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn bán lẻ, xây dựng, tài chính ngân hàng bảo hiểm và cuối cùng là khai khoáng.

“6 ngành lớn nhất trong GDP sẽ giảm tốc hoặc tăng trưởng âm. Nông nghiệp, Khai khoáng, lưu trú ăn uống và vận tải kho bãi gần như chắc chắn sẽ âm trong quý 2”, ông Linh nhận định.
Do vậy theo vị chuyên gia, quý 2 năm nay có lẽ sẽ là quý đầu tiên trong hàng chục năm Việt Nam tăng trưởng âm, điều mà trong khủng hoảng 2009 và 2012 đều chưa từng xảy ra. Quý thấp nhất trong giai đoạn đó là quý 1/2009 tăng 3,1%.
Covid-19 khiến 82% doanh nghiệp Việt giảm doanh thu
Sau khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 thời điểm cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: "82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30 - 50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%".

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

 Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

"Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động", Chủ tịch VCCI cho hay.

Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Ông Lộc cũng đề nghị: "Cần cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn. Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ".

Chủ tịch VCCI cho rằng để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, người lao động, đề nghị Chính phủ, Quốc hội không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021 và đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.

Giá lợn cuối tuần tại siêu thị giảm mạnh

Cuối tuần, lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam vẫn ở quanh mức 80.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng so với giá niêm yết của nhiều doanh nghiệp lớn đang cam kết bình ổn giá.

Tuy nhiên, vài hệ thống siêu thị đã triển khai khuyến mãi thịt lợn từ 3 - 15%, cao nhất lên tới 25%, đưa giá mặt hàng này về mức từ 130.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại để kích cầu mua sắm.

Như tại siêu thị BigC, thịt vai còn 127.000 đồng/kg (giảm 20%), nạc dăm còn 149.000 đồng/kg (giảm 10%). Các mức giảm thấp hơn là nạc thăn, ở mức 8%, đưa giá thịt về còn 149.000 đồng/kg. Chân giò heo giảm còn 119.500 đồng/kg. Sườn non còn từ 169.000 đồng/kg sau khi đã giảm 11% giá, thịt ba chỉ còn 145.900 đồng/kg.

 Ảnh minh họa. Nguồn NNX

Saigon Co.op cũng giảm giá thịt lợn trên toàn hệ thống từ ngày 8 - 22/4 với mức giảm lên tới 25%. Trong đó, sườn non lợn và ba rọi là hai loại có sức tiêu thụ tốt, giảm đến 18%.

VinMart giảm giá thịt lợn cho ngày cuối tuần. Trong đó, chân bắp giò Vissan 500gram có giá 57.000 đồng, thịt xay Vissan 200gram giá 28.000 đồng.

Trước đó, để bình ổn giá thịt lợn, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá, tăng đàn, tái đàn, đồng thời cho phép tăng nhập khẩu thịt để kéo giá xuống.

Tuy nhiên, sau 10 ngày các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đồng loạt giảm giá lợn xuống 70.000 đồng/kg, giá thịt lợn ngoài thị trường vẫn "cố thủ" ở mức 160.000 - 180.000 đồng/kg. Lý giải về điều này, Bộ Công Thương cho hay, giá thịt lợn chưa thể giảm nhanh do số lượng doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt chỉ chiếm khoảng 35% thị phần, 65% còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá.