Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự vô cảm đáng sợ!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ nữ sinh lớp 9, trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên), bị đánh hội đồng đến mức phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị thêm một lần gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực học đường. Liên tiếp các vụ việc bạo học đường gần đây cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng, sự hành hung ngày càng dã man, độ tuổi ngày càng trẻ hóa.

 Trường THCS Phù Ủng
Không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà là một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, dẫm, đạp lên người, lên đầu, lột đồ; còn nạn nhân thì không thể phản kháng. Thậm chí, ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm cũng như nhà trường tìm mọi cách bao che, mà không có bất cứ giải pháp nào nhằm chấm dứt tình trạng này. Đây là hệ quả của bệnh thành tích trong ngành giáo dục, chính nó tạo ra sự vô cảm đáng sợ, thiếu trách nhiệm, bạo lực ngày càng gia tăng là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân từ nhà trường, môi trường học đường thì còn có nguyên nhân từ gia đình. Nhiều giáo viên chia sẻ về những câu chuyện bạo lực học đường, rằng nếu như trước đây, bạo lực chỉ dừng lại ở việc trêu chọc, cô lập một cá nhân nào đó, nhưng hiện nay, bạo lực học đường tinh vi, phức tạp, tàn bạo và có tổ chức hơn. Những đứa trẻ thích đi bắt nạt người khác để thể hiện quyền lực. Phần lớn chúng đều là những đứa trẻ không nhận được sự chia sẻ của gia đình, hoặc chính trong gia đình có sự bạo hành giữa các thành viên, thậm chí bố mẹ bạo hành con cái. Ngoài ra, phim ảnh, những video bạo lực tràn lan trên Youtube, trên mạng xã hội cũng khiến trẻ bắt chước thực hiện theo.

Cho đến nay, Bộ GD&ĐT chưa có một báo cáo chính xác về số vụ bạo lực học đường mỗi năm. Trong khi tổng số vụ mà ngành Công an ghi nhận được là trên 2.000 vụ/năm, trong đó có đến 53% vụ bạo lực xảy ra trong trường học. Từ năm 2011 đến nay, số vụ bạo lực tăng dần qua các năm. Năm nào phía ngành Giáo dục đều có những công văn, chỉ thị chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường nhưng tình trạng bạo lực không giảm mà ngược lại, ngày càng nghiêm trọng hơn.

Điều gì đang xảy ra trong trường học vốn là nơi cả xã hội gửi gắm niềm tin về việc đào tạo những thế hệ tương lai hội đủ đức - trí - thể - mỹ? Phải chăng, ngành giáo dục và cả xã hội bất lực trước tình trạng này?

Không biết đến bao giờ bạo lực học đường sẽ bị đẩy lùi, đến bao giờ người lớn mới thấy yên tâm và hy vọng khi những đứa trẻ cắp sách đến trường? Đến bao giờ chúng không còn phải chịu đựng nỗi đau đớn, chà đạp, gào khóc bất lực trước sự vô cảm của những bạn học và cả thầy cô giáo? Có lẽ, chỉ mình Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được, nếu mỗi người lớn, mỗi nhân tố xã hội không thấy trách nhiệm của mình trong đó và cùng nhau vào cuộc.