Hôm nay (21/1), Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề phục vụ công tác xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi).
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, dự kiến theo kế hoạch Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6 năm nay, sau khi đã tiếp thu ý kiến đóng góp, giải trình của các cục, vụ chức năng và các chuyên gia luật cũng như đường sắt. Bên cạnh đó, Cục xây dựng dự thảo Nghị định sau khi Luật Đường sắt được Quốc hội thông qua; hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về đường sắt để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi: Sửa Luật đường sắt là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tế
|
Hội thảo chuyên đề lần này sẽ tập trung thảo luận về các quy định liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt, nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu, ATGT đường sắt, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Hội thảo cũng đưa ra những kinh nghiệm của các nước trong xây dựng, điều hành, quản lý, kinh doanh, chính sách phát triển đường sắt nói chung... giải pháp đảm bảo an toàn vận hành đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao nói riêng.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia đến từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp xoay quanh các vấn đề về chính sách phát triển đường sắt; phí, giá trong hoạt động đường sắt; quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt; chính sách ưu đãi đầu tư phát triển đường sắt...
Theo đánh giá, Luật Đường sắt cũ ra đời năm 2005 đến nay đã không còn phù hợp, tồn tại nhiều bất cập ở cả lĩnh vực vận tải cũng như kết cấu hạ tầng đường sắt. Hơn nữa, Luật Đường sắt cũ không có quy định về đường sắt tốc độ cao. Đây là loại hình vận tải đặc thù, công nghệ tiên tiến và khác biệt hẳn so với đường sắt truyền thống.
Trong khi đó, theo Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 quy định từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trục Bắc – Nam. Đến năm 2030 sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao từ 160km – dưới 200km/h. Đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc – Nam; sau năm này sẽ khai thác tốc độ cao khoảng 350km/h.