Quy hoạch không nên cào bằng
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) và một số ĐB khác đặt vấn đề cần phải xem xét sự phù hợp giữa Luật Báo chí sửa đổi và quy hoạch báo chí đã được T.Ư thông qua. Bởi trong quy hoạch thì cơ quan báo in có chủ quản là các tỉnh ủy các địa phương và các bộ, ngành T.Ư. Nhưng phải tính đến đặc thù ở một số lĩnh vực, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, không nên cào bằng. ĐB Thùy Trang cũng đề nghị việc sửa đổi Luật Báo chí lần này cần theo quan điểm tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí phát triển. “Hiện nay mới chỉ ưu đãi 10% thuế thu nhập DN cho cơ quan báo in, đề nghị cần phải áp dụng cho cả báo điện tử. Ngoài ra, cần miễn thuế giá trị gia tăng về các sản phẩm quảng cáo, phát hành cho cơ quan báo chí. Về quản lý hoạt động báo chí, cần có quy định để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, cần phải giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho những người đứng đầu cơ quan báo chí nhiều hơn” - ĐB bày tỏ.
Thông tin kỹ hơn tới các ĐB về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son (đoàn Hà Nội) khẳng định, giữa 2 nội dung này có sự thống nhất, ăn nhập với nhau nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng báo chí, trên tinh thần tổ chức cơ quan báo chí gọn nhẹ, giảm thiểu cấp ngân sách cho cơ quan báo chí. “Hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí sống dựa vào ngân sách Nhà nước. Bộ Chính trị đã kết luận quy hoạch báo chí rất quan trọng và thực hiện với tinh thần dễ làm trước, khó làm sau, thí điểm từ nay đến năm 2025” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Cần “cải cách hành chính” cho báo chí
Một góc độ khác cũng được các ĐB quan tâm là “cải cách hành chính” cho báo chí. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Dự Luật cần phải có những quy định hết sức cụ thể, nếu cần phải có nghị định đi kèm luôn, tránh tình trạng “giấy phép con”. “Lĩnh vực báo chí là lĩnh vực nhiều khó khăn, nhũng nhiễu. Mỗi lần thay đổi măng séc, tăng trang... đều phải xin xỏ, không có minh bạch” - ĐB góp ý. Trong khi đó, ĐB Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, “các tờ báo bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập phải xin ý kiến của Bộ TT&TT bằng văn bản. Cả nước có tới 800 tờ báo, mỗi nơi trung bình có 3 - 4 ông phó mà tất cả việc bổ nhiệm phải xin ý kiến. Mấy ngàn người như vậy, Bộ biết được mấy người. Bổ nhiệm lãnh đạo báo ở địa phương thì giao cho chính quyền địa phương họ làm chứ Bộ ôm vào làm gì”...
Lo “khoảng trống” truyền thông hiện đại
ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nhận xét, Dự Luật vẫn còn khoảng trống lớn về truyền thông xã hội trong thời đại công nghệ số bùng bổ như hiện nay: “Với sự phát triển của internet hiện nay, mỗi người có smartphone đều có thể làm báo. Nhưng Dự Luật nói chưa hết. Như thế không sòng phẳng, một bên báo chí thì kiểm soát kỹ, một bên truyền thông xã hội thì không kiểm soát”. ĐB lưu ý, về mặt thị trường, chúng ta bắt báo chí tự chủ, trong khi đó những cơ quan truyền thông đa phương tiện, những mảng liên quan đến tài chính, quảng cáo, có nguồn thu rất lớn, trong khi nhiều tờ báo về cơ bản là đơn vị sự nghiệp có thu, nguồn thu rất ít. Vì thế vẫn có sự mâu thuẫn giữa 2 yếu tố là tự chủ và công cụ định hướng tư tưởng (sự nghiệp có thu). Trong Dự Luật cũng chưa thấy rõ được những chính sách ưu tiên, ưu đãi gì cho báo chí truyền thông phát triển, chưa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh.
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) cũng thấy lo lắng khi Dự Luật không kiểm duyệt thông tin đưa lên mạng: “Có người lợi dụng mạng đăng tải thông tin, người bị đưa tin muốn thanh minh lại hay khắc phục hậu quả đều rất khó. Trên mạng còn có rất nhiều những comment thiếu văn hóa”. ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, Dự Luật dường như vẫn hướng về quản lý báo chí chính trị - xã hội, trong khi hiện nay có rất nhiều loại hình báo chí. Những báo thuần túy về giải trí, thương mại hay báo điện tử cần có cách tiếp cận, quản lý khác.
Tại tổ Hà Nội, trước băn khoăn của một số ĐB về việc Dự Luật không đưa chế tài xử phạt, phạm vi điều chỉnh đối với các trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích, nếu đưa các chế tài với các loại hình nói trên vào Luật Báo chí thì vô hình trung là chúng ta thừa nhận báo chí tư nhân. Trong khi đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xác định rõ báo chí của ta là báo chí cách mạng, không thương mại hóa, không để tư nhân núp bóng báo chí, tự do nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật Báo chí sửa đổi. Ảnh: Đức Khánh
|