Theo những người tham gia biểu tình, các biện pháp khắc khổ mà chính phủ Italia và Bồ Đào Nha đã áp dụng trong thời gian qua là nguyên nhân khiến sự thịnh vượng của các nước này bị suy giảm. Trước đó, một khảo sát của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế mới được công bố, châu Âu đang rơi vào một giai đoạn nghèo túng kéo dài và ngày càng sâu sắc với nạn thất nghiệp diễn ra khắp nơi, bất bình đẳng ngày càng lớn và tâm lý người dân ngày một bi quan. Tất cả được cho là hậu quả của các chính sách khắc khổ mà một loạt nước châu Âu đã và vẫn đang thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công và tiền tệ suốt 4 năm qua. Báo cáo dày 68 trang của tổ chức này nhấn mạnh: Trong khi các châu lục khác đạt được thành công trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo thì châu Âu góp thêm vào tình trạng này. Thất nghiệp hàng loạt, 120 triệu người châu Âu đang sống trong nghèo túng hoặc bên bờ vực của nghèo túng. So với năm 2009, có thêm hàng triệu người đang phải xếp hàng chờ thực phẩm miễn phí, không có tiền mua thuốc hay đi khám chữa bệnh. Hàng triệu người không có việc làm và nhiều người dù vẫn có việc làm nhưng phải trầy trật để nuôi cả gia đình với mức lương thấp trong khi giá cả tiếp tục tăng. Số người phải phụ thuộc vào các điểm phân phối thực phẩm của Hội Chữ thập đỏ tại 22 điểm trong số các nước khảo sát đã tăng tới 75% từ năm 2009 đến 2012. Những yếu tố trên đang khiến tương lai của châu Âu trở nên bấp bênh hơn và vị thế của lục địa già trên bản đồ chính trị, kinh tế toàn cầu cũng bị đe dọa nghiêm trọng.