Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn có người dùng mật cá để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, bệnh không khỏi, nhiều người còn suýt chết vì tin theo lời đồn này.
Theo bác sĩ Nguyên, ngày mùng 4 Tết, bệnh nhân Lê Đình Đ. (sinh năm 1959, Thanh Liêm, Hà Nam) được chuyển cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai vì ngộ độc mật cá trắm.
Vừa trở về giường sau khi chạy thận nhân tạo để lọc độc, ông Đ. yếu ớt cho hay: “Nhà thịt con cá trắm 4 cân để đổi bữa, nghe mọi người nói uống mật cả trắm giúp khỏe người, nên đã pha mật cá trắm vào chén rượu để uống”.
Khỏe đâu chưa thấy, sau 7 giờ đồng hồ, ông Đ có biểu hiện đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít.
Cố chịu đựng gần 4 ngày ở nhà vì nghĩ “kiêng kỵ” đầu năm đến viện, ông Đ buộc phải nhập viện chạy thận cấp cứu vì suy thận.
“Nếu bệnh nhân đến muộn thêm chút nữa, không được chạy thận lọc độc thì có thể tử vong”, BS. Nguyên cho biết.
Bác sĩ Nguyên lý giải, độc tố chính trong mật cá gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. “Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong”, bác sĩ Nguyên khẳng định.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, hiện có nhiều người sử dụng mật cá trắm để điều trị nhiều loại bệnh như nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay... dưới hình thức nuốt sống trực tiếp hoặc pha trộn túi mật với nước, rượu hoặc mật ong. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng. Những năm gần đây, tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm.
Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.