Đây không phải là lần đầu tiên giữa hai nước láng giềng xảy ra xích mích, nhưng sự cố khiến 5 người thiệt mạng, 13 người bị thương tại Akchakale đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất hết kiên nhẫn. Dù chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định sẽ không tiến hành chiến tranh với nước láng giềng Syria, nhưng việc Quốc hội nước này ra phán quyết cho phép quân đội khởi động các cuộc tấn công xuyên biên giới cho thấy Ankara sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào của Damascus.
Khói đen trên bầu trời Akchakale (Thổ Nhĩ Kỳ) sau vụ pháo kích từ Syria.
Sáng 5/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã nhất trí ra Tuyên bố chung lên án bằng "ngôn từ mạnh mẽ" về vụ pháo kích được "khai hỏa" từ Syria. Tuyên bố khẳng định, vụ việc này cho thấy tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Syria đối với các nước láng giềng cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực. Các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên cần phải chấm dứt ngay lập tức, đồng thời kêu gọi Chính phủ Syria tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng. Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga vì nó sẽ làm tình hình khu vực trở nên phức tạp hơn. Trước đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước thuộc thế giới Ả Rập đã phản ứng gay gắt trước vụ việc trên và cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của khu vực.
Trong lúc tình hình biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nóng lên từng giờ, người ta lại hướng về phía NATO để chờ phản ứng từ các đồng minh của Ankara trong khối quân sự Bắc Đại Tây dương. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những vụ bắn pháo đáp trả lẫn nhau giữa hai nước sẽ khó dẫn đến một cuộc chiến lớn vì bất cứ một diễn biến leo thang nào cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế “gậy ông đập lưng ông”. Trên thực tế, Damascus thường xuyên chỉ trích, phản đối Ankara vì đã tạo điều kiện để nhiều cơ sở của lực lượng đối lập Syria được thoải mái hoạt động tại đây. Về luật pháp quốc tế, Damascus hoàn toàn có quyền thực hiện đòn tấn công phủ đầu vào các căn cứ của lực lượng đối lập tại nước láng giềng, tương tự như chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ từng thực hiện nhằm chống chiến binh Đảng Lao động Kurdistan ở Iraq. Nếu Ankara tiếp tục "găng" trong cuộc đấu trí này, một cuộc xung đột giữa hai nước không sớm thì muộn sẽ xảy ra và biến khu vực không yên tiếng súng từ nhiều năm nay tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn. Và NATO, dù rất muốn giải vây cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải cân nhắc kỹ trước khi thổi bùng “ngọn lửa” bạo lực tại Trung Đông.