Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cấu trúc đầu tư công: Bắt đầu từ cải tổ doanh nghiệp nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn lúc nào hết câu chuyện tái cấu trúc đầu tư công hiện đang là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Ngay tại nghị trường, các đại biểu cũng đã hối thúc Quốc hội và Chính phủ rà soát và siết chặt đầu tư công hơn nữa.

Đầu tư rải mành mành

Để lấp đầy 194 cụm, khu công nghiệp cần 50 tỷ USD, để hoàn thiện 5 cụm kinh tế ven biển cũng cần không dưới 2 tỷ USD, tương đương với vốn đầu tư của cả nước trong 50 năm nữa. Đây là những con số được đưa ra tại hội thảo: "Tái cấu trúc đầu tư công" do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức mới đây. Các số liệu đều cho thấy chúng ta đang có quá nhiều dự án, việc đầu tư rải mành mành đã làm tăng chi phí đầu tư, vượt ngoài khả năng chi trả của nền kinh tế hiện nay. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT vẫn còn tới 638 dự án không thuộc diện được khởi công trong năm 2011, nhưng các tỉnh, thành vẫn bố trí hơn 1.700 tỷ đồng để thực hiện. Đặc biệt, đến thời điểm này, các bộ, ngành và địa phương đã đưa danh mục dự án đầu tư công của năm tới với số tiền cần khoảng 3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Cao Phúc (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) lo ngại, tình trạng đầu tư dàn trải sẽ làm giảm hiệu quả của vốn đầu tư, gây lãng phí lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Tình trạng trên có một phần do cơ chế T.Ư phê duyệt danh mục và bố trí vốn cho dự án như vốn trái phiếu Chính phủ, nhưng lại giao địa phương phê duyệt dự án. Địa phương nào cũng muốn quy mô dự án lớn trong khi vốn có hạn dẫn đến công trình thi công chậm tiến độ. Vì vậy, quyết định đầu tư phải trên khả năng nguồn vốn, theo thứ tự ưu tiên có trọng điểm, dứt điểm.

Nhức nhối hơn cả là vấn đề đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao, nếu không muốn nói là tỉ lệ vốn đầu tư có xu hướng tỉ lệ nghịch với tăng trưởng. Theo ông Deepak Mishra - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế, nguồn vốn chủ đạo để đầu tư của khu vực công được lấy từ ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó đầu tư từ ngân sách và các DNNN chiếm trên 75%. Số liệu từ CIEM cho thấy, giai đoạn 2005 - 2009, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng được ưu tiên trên 50% vốn, song đóng góp vào GDP lại chỉ dưới 40%.

Bán dự án, siết DNNN

Nguyên Bộ trưởng Bộ KT&ĐT Trần Xuân Giá nhận định, muốn cơ cấu lại nền kinh tế phải bắt đầu từ tái cơ cấu đầu tư để phân bổ lại nguồn vốn hợp lý cho xã hội. Ông nói: "Khi miếng bánh ngân sách vẫn được xin cho, các địa phương không cải tiến "cái đầu" trong phong cách làm việc, vẫn sẽ còn những dự án đầu tư công kém hiệu quả". Ông Giá đề xuất, Chính phủ cần quyết liệt cắt giảm đầu tư công như bán đứt, thậm chí bán lỗ những dự án dở dang mà Nhà nước không đủ sức làm và không nhất thiết phải nắm trong khi tư nhân làm được.

Trên diễn đàn Quốc hội cuối tuần trước, đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cũng hối thúc các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại danh mục đầu tư công.

Quyết liệt hơn, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng CIEM đề nghị mạnh tay cắt giảm đầu tư toàn xã hội xuống dưới 35% GDP so với mức trên 40% năm 2011, trong đó giảm mạnh đầu tư công xuống dưới 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, cần rà soát lại toàn bộ danh mục đầu tư đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, kiên quyết loại bỏ các danh mục đầu tư không phù hợp với tiêu chí mới.

DNNN là khu vực có số dự án đầu tư tràn lan, kém hiệu quả cao hơn hẳn các khu vực doanh nghiệp khác nên các chuyên gia kiến nghị cần có phương án bán các DNNN làm ăn kém này. Những số liệu của WB so sánh về hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tại Việt Nam cho thấy, ở hầu hết các lĩnh vực như: Viễn thông, xây dựng, điện, bảo hiểm… hệ số này các DNNN đều gấp 2 - 3 lần những DN ngoài quốc doanh. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Chính vì thế, cải tổ các DNNN là việc làm cần thiết, đây cũng là tinh thần của Hội nghị T.Ư 3 (khóa XI) về tái cơ cấu nền kinh tế.