Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái chế- giải pháp giúp ngành nhựa giảm phụ thuộc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngành nhựa Việt Nam đã phát triển rất nhanh, hiện cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp (DN) nhựa và trong khoảng 10 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%/năm.

KTĐT - Ngành nhựa Việt Nam đã phát triển rất nhanh, hiện cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp (DN) nhựa và trong khoảng 10 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%/năm.

Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất của ngành nhựa VN là giá trị thặng dư của ngành này không cao, vì  hiện 80 - 90% nguyên liệu phải nhập (NK). Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhựa lao đao với bài toán đầu vào nguyên liệu. Đó là nhận định của các chuyên gia về bức tranh ngành công nghiệp nhựa trong thời gian qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, hầu hết những DN nhựa đều sản xuất với quy mô… gia đình nên năng lực cạnh tranh rất thấp. Chính vì vậy, hơn 90% DN nhựa của Việt Nam phải đi “làm thuê”, gia công cho nước ngoài, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, ngành nhựa phải gồng mình hứng chịu nhiều đợt tăng giá nguyên liệu, tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của DN. Năm 2009, ngành nhựa nhập hơn 2 triệu tấn nguyên liệu, với tổng giá trị gần 2,5 tỷ USD, trong khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 1/3 số tiền nhập khẩu nguyên liệu. Do quá phụ thuộc vào nguyên liệu nên giá bán của DN Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ khoảng 10 – 15%.

Hiện, cả nước mới chỉ có 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa với tổng công suất mỗi năm khoảng 250.000 tấn PVC và 150.000 tấn nguyên liệu DOP, đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu.

Tận dụng phế thải- bài toán tối ưu

Để giải quyết bài toán này, Bộ Công thương đã xác định việc phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa là một trong ba chương trình trọng điểm. Theo đó, việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa sẽ là bước khởi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng khó khăn về nguyên liệu cho DN. “Nguồn phế liệu nhựa trong nước rất dồi dào nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được. Nguyên nhân là do hệ thống thu gom nhỏ lẻ, không tập trung; phế liệu hầu nhự không được xử lý và phân loại theo đúng quy cách; công nghệ lạc hậu… “, ông Nguyễn Khắc Long, Tổng giám đốc Công ty CP nhựa Việt Nam than thở.

Bà Minh Thục - Phó phòng kế hoạch đầu tư Vinaplast phân tích, theo quy hoạch của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ xây dựng hai nhà máy tái chế nhựa công suất 50.000 tấn/nhà máy. Hiện Vinaplast đã liên doanh và đủ vốn xây dựng, nhập khẩu công nghệ thiết bị cho nhà máy hoạt động. Một nhà máy nêu trên khi hoạt động, mỗi ngày cần 1.000 tấn nguyên liệu phế liệu nhựa, nhưng thực tế tại VN hiện không thể thu gom đủ. Hiện đang có khoảng 45% các cơ sở tái chế nhựa đang dùng nguyên liệu là hạt nhựa tái chế NK, nhưng nếu dùng hạt nhựa tái chế NK thì nhà máy sẽ không có ý nghĩa gì trong việc giúp VN giảm lượng rác nhựa, tận dụng tài nguyên.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiện giá nhập hạt nhựa PET khoảng 1.300 USD/ tấn, do đó, nếu tái sinh được từ chính nguồn phế liệu, giá thành giảm gần 30%. Theo ông Long, ở Việt Nam chỉ tính mức tận dụng từ 35-50% nguyên liệu nhựa tái sinh sẽ góp phần tiết kiệm hơn 600 triệu USD mỗi năm cho DN, đồng thời cũng tăng được 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Ngành nhựa VN muốn phát triển ổn định thì phải chủ động về nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu trước mắt là tận dụng rác nhựa, về lâu dài là các sản phẩm của ngành dầu khí VN. Ngành nhựa tái chế phát triển, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp VN ổn định được nguyên liệu.

Việc sử dụng nguyên liệu từ việc tái chế phế liệu nhựa còn góp phần bảo vệ môi trường – một trong những điều kiện của các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Nhật. “Nhiều khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật… họ yêu cầu sản phẩm nhựa xuất khẩu phải sử dụng tối thiểu 10% nhựa tái sinh để hạ giá bán. Theo họ, đáp ứng điều này, sản phẩm mới có tính thân thiện với môi trường”- ông Long đánh giá.