Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Mới chỉ là thay “áo”!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Chính phủ, đã có 100/101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương được Thủ tướng phê duyệt.

Như vậy, về cơ bản đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, đánh giá về thực tế tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thời gian qua, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tái cơ cấu mới chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc.

 
Tái cơ cấu phải quyết liệt, minh bạch thì mới có thể tạo nên những doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh. Ảnh: Hà Anh
Tái cơ cấu phải quyết liệt, minh bạch thì mới có thể tạo nên những doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh. Ảnh: Hà Anh

Chuyển giao doanh nghiệp yếu kém - vòng luẩn quẩn!

Thực tế việc tái cơ cấu DNNN hiện nay về mặt cơ bản vẫn chỉ đơn giản là việc sáp nhập lại với nhau một cách cơ học mà chưa có đổi mới về chất. Gánh nặng mà tập đoàn tiếp nhận các DN, dự án là rất lớn và đầy khó khăn. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, giao DN yếu kém của tập đoàn này cho tập đoàn khác quản lý như trong thời gian vừa qua là mệnh lệnh hành chính, buộc phải tiếp nhận, không phải chuyển giao theo cơ chế thị trường. 

Điều này thể hiện rõ nhất qua việc vừa hình thành rồi phải rút bỏ tên 2 tập đoàn của ngành xây dựng. Đó là: Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng VN - VNIC và Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị - HUD sau hai năm thí điểm (từ năm 2010); năm 2012, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị và Tổng Công ty Công nghiệp xây dựng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ HUD và VNIC cùng các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, có thể thấy mô hình hoạt động của các đơn vị này vẫn không có nhiều thay đổi, có chăng chỉ là sự sắp xếp lại một vài vị trí, còn lại "việc ai nấy làm", tiền ai nấy giữ.

Mới đây nhất, ngày 31/10, Vinashin được đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC. Vấn đề của Vinashin, ông Bùi Kiến Thành băn khoăn DN này sẽ làm gì sau khi tái cơ cấu: "Việc đổi tên như vậy chưa đủ. Khoản vay 600 triệu USD mà Vinashin từng phát hành trái phiếu và có sự bảo lãnh của Nhà nước thì vẫn là SBIC phải trả". 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhiều lần đề xuất không nên chuyển giao các DN yếu kém sang các tập đoàn khác bởi nhiều khả năng nó sẽ đẩy các tập đoàn đang lành mạnh trở nên yếu hơn sau khi tiếp nhận. Bà Lan cho rằng: "việc chuyển giao DN như thế không được coi là tái cơ cấu DNNN.  Làm như vậy không thay đổi được bản chất sự việc. Với tư duy ấy, nếu tiếp tục sẽ mãi lâm vào vòng luẩn quẩn".

Trước tiên phải tái cơ cấu nợ

Không ít ý kiến cho rằng, sự chậm trễ trong tái cơ cấu DNNN đang làm cản trở sự phục hồi của nền kinh tế và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư. TS Trần Du Lịch kiên trì đề nghị phải bán vốn tại các ngành, lĩnh vực không cần sở hữu để thu tiền về ngân sách. Đối với DN quá khó khăn cần thiết phải tính tới giải pháp giải thể, thanh lý, cho tư nhân tham gia. Nếu cố gắng thực hiện tái cấu trúc sẽ tốn kém chi phí rất nhiều, mà cuối cùng không đạt được kết quả. 
 
Một công trình của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đang được xây dựng trên đường Lê Văn Lương.. Ảnh: Đại Thành
Một công trình của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đang được xây dựng trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Đại Thành

Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM): Cho đến nay cách làm tái cơ cấu DN về cơ bản là dựa vào một hướng dẫn chung, từng tập đoàn đề ra cách thức, trình tự điều chỉnh/cải cách của mình để có được sự chấp thuận của đơn vị chủ quản. Về cơ bản, đó là cách tái cấu trúc từ dưới lên. Đó là nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như chất lượng tái cơ cấu DNNN thời gian qua. 

Để cấu trúc lại một DN bên bờ đổ vỡ, theo TS Võ Trí Thành, đầu tiên chúng ta phải tái cơ cấu lại bảng cân đối tài sản, các khoản nợ (và các chủ nợ). Sau đó, chủ DN (có thể có cũ, mới) định ra chiến lược, cách làm ăn mới để từ đó phát triển lên. Thứ nữa là lập ra bộ máy quản trị và người đứng đầu mới, phù hợp với chiến lược mới.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng được nhắc đến nhiều trong chiến lược tái cơ cấu DNNN đó là sự minh bạch thông tin, cùng với đó là việc tăng cường vai trò giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài.  Đây là vấn đề động chạm đến nhiều người, nhóm lợi ích, và nhiều nguồn lực, lại liên quan đến đổi mới tư duy phát triển và cải cách, ý chí chính trị, chương trình hành động và kế hoạch triển khai. 

Với sức ép hội nhập ngày càng tăng, một số mô hình DNNN, nhất là mô hình tập đoàn theo kiểu Vinashin, HUD hay VNIC... đang bộc lộ những hạn chế căn bản, đặc biệt là những yếu kém trong quản lý và lãng phí nguồn lực. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phải quyết liệt tiến hành tái cơ cấu khu vực này, nhằm hình thành lên những DN thực sự đủ mạnh, làm tốt vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

 
Theo Đề án Tái cấu trúc DNNN, trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam phải tiến hành CPH 367 DN. Tuy nhiên, 2/3 quãng thời gian đã đi qua, nhưng rất ít DN được CPH. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2013, mới có khoảng 10 DN được CPH. Quý IV/2013, công tác này liệu có được đẩy mạnh?