Theo dự thảo, mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung thay đổi cấu trúc và trình độ của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
Theo dự thảo, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 gồm 10 nội dung: Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững; Tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên; Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung vào đổi mới căn bản thể chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội; Tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại; Tái cơ cấu DN Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nâng cao chất lượng DN tư nhân; Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới; Thực hiện hiệu quả các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng đất đai trên cơ sở phát triển thị trường đất đai; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Tái cơ cấu cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ giáo dục, y tế và khoa học công nghệ.
Ảnh minh họa |