Đã 13 năm, các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật, phát hiện nhiều dấu tích di sản qua các tầng từ thời Đại La, Lý, Trần, Lê Trung hưng, Lê sơ, Nguyễn… đến thời hiện đại. Công cuộc khảo cổ này một phần để sáng tỏ nơi ngự trị của các triều đại suốt 13 thế kỷ; và một phần nữa để phục vụ công tác nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên. Tuy nhiên, do công tác bảo quản hiện vật chưa đảm bảo điều kiện, nên sau mỗi năm khai quật, các nhà khảo cổ lại lấp cát các hố khai quật nhằm giữ nguyên hiện trạng. Ngoài giới chuyên môn, rất ít công chúng được chiêm ngưỡng khối di sản dưới lòng đất này. Tại hội nghị báo cáo kết quả khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2016, PGS.TS Đặng Văn Bài đã đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đề xuất với UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa các hố khai quật để du khách được tham quan. Và đề xuất này đã chính thức được thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Trong đợt trưng bày tại chỗ và mở cửa khu vực di tích khảo cổ học mới phát lộ, sẽ thể hiện nhiều tầng văn hóa đa dạng và các dấu tích khảo cổ học tiêu biểu như: Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng và thời Lý; dấu tích bó nền gạch, đường đi lát gạch; dấu tích kiến trúc thời Lý; hệ thống bó nền gạch, sân gạch vồ; dấu tích bó nền hoa chanh thời Lê sơ; dấu tích đường nước thời Lý… Đồng thời, ngay tại bậc thềm rồng của điện Kính Thiên sẽ tái hiện không gian dâng hương điện Kính Thiên, giúp du khách có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu điện Kính Thiên trong thời gian qua, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên trong tương lai.
Ngoài ra, trong năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục phối hợp với các nhà sưu tầm, các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống để trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật độc đáo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Triển lãm Tranh Tết truyền thống Việt Nam giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội; Triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như: Áo Ngự hàn Viên Long của Chúa Trịnh; Áo Đoạn kép của Chúa Trịnh; Hoàng (Long) Bào Đại Triều mùa Xuân – Hạ của Hoàng đế; Áo Cát Phục Viên Long của Vua Đồng Khánh… Thông qua bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống Việt Nam , cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống.q
Lễ dâng hương trước sân Điện Kính Thiên trong Hội xuân Hoàng Thành 2016.
Ảnh: Phạm Hùng