Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tai họa từ tia lửa hàn

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, DN, mà nguyên nhân lại bắt nguồn từ mấy anh thợ hàn.

Chuyện không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu còn chỗ trống nào trong công tác phòng cháy chữa cháy chưa được bịt kín. Trách nhiệm của người dân và cơ quan quản lý ở đâu trong những vụ việc đau lòng này?
Dân gian có câu “ướt còn cháy mất”. Đã cháy là hết. Người chết, tiền của cũng theo tàn tro bay. Hậu quả của cháy nổ gây ra cho gia đình và xã hội bao giờ cũng rất đau thương, nặng nề. Có thể kể ra đây một vài vụ cháy nổ tiêu biểu, như vụ cháy nhà hàng karaoke ở phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy cuối năm ngoái làm 13 người tử vong; ngày 15/2, cháy chợ đêm thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) làm 3 người chết; 10 ngày sau, ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng xảy ra vụ cháy làm 4 người chết; Hôm 13/3 thì vụ cháy tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) gây ra cái chết cho 4 người. Rồi vụ cháy lớn tại khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) sau đó 10 ngày cũng gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Ngày 5/4, tại Đà Nẵng cũng có 3 người bị chết cháy. Mới đây nhất, hôm 29/7, vụ cháy cơ sở sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã gây ra cái chết thương tâm cho 8 người và 2 người bị thương nặng.
Nhắc lại một chút để thấy rằng, với con số hơn 3.000 vụ cháy nổ xảy ra khắp cả nước trong năm ngoái làm gần 100 người chết và hơn 2.360 vụ trong 6 tháng đầu năm nay làm gần 60 người chết thì những thiệt hại về tính mạng và tài sản do hỏa hoạn gây ra là không gì có thể bù đắp.
Cháy nổ xảy ra chủ yếu ở nhà dân, các khu công nghiệp, chung cư, cơ sở kinh doanh. Đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí như vũ trường, quán bar, karaoke… bao giờ cũng để lại hậu quả rất nặng nề. Số vụ cháy do chập điện chiếm khoảng 70%, số người thiệt mạng trong các vụ cháy chủ yếu là do ngạt khí, nhà xưởng xây dựng không có lối thoát hiểm. Đặc biệt là gần đây, số vụ hỏa hoạn do hàn xì gây ra không phải ít, mà 2 vụ cháy nhà hàng karaoke ở phố Trần Thái Tông năm ngoái và cơ sở sản xuất bánh kẹo ở Hoài Đức hôm 29/7 là tiêu biểu.
Ai cũng biết, trong quá trình thi công, việc hàn hay cắt sắt thép, dù là dùng khí hóa lỏng hay dùng điện, nhiệt độ tâm lửa có thể đạt tới 3.0000C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700 - 1.8000C. Quá trình hàn cắt sẽ phát sinh các hạt kim loại nóng chảy bắn ra xung quanh, nếu tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như giấy, bông, xốp, xăng dầu sẽ rất dễ gây hỏa hoạn. Nếu đốm lửa nhỏ không được phát hiện và dập tắt kịp thời, nó sẽ cháy lớn hơn, vận tốc cháy tăng nhanh hơn và lan thành đám cháy lớn, thiệt hại lúc đó sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Mối nguy hiểm từ hàn cắt kim loại là vậy, nhưng lâu nay, khi thi công các hạng mục nhỏ trong khu dân cư, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng vui chơi giải trí… thường chỉ thuê công nhân ở các cơ sở nhỏ, thậm chí là thợ tay ngang hành nghề tự do. Đây là những thợ hàn chưa được đào tạo bài bản về kỹ thuật, không được tập huấn nghiệp vụ về PCCC; khi hàn cắt kim loại không đảm bảo các biện pháp an toàn PCCC; không cử người trông coi, không có biện pháp cách ly vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; không trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực làm việc, không chú ý đến tính an toàn của các dụng cụ sử dụng để hàn cắt…
Điều đáng quan tâm là càng ở những TP lớn, nơi có điều kiện về kinh tế để đầu tư phương tiện PCCC và có đông lực lượng PCCC thì dường như số vụ cháy nổ xảy ra càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Ngoài 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gần đây, nhiều tỉnh, thành khác cũng để xảy ra một số vụ cháy, nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản cho gia đình và xã hội.
Nhìn chủ quan, hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo an toàn PCCC của chúng ta không thiếu. Quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như mỗi người dân cũng rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tế vẫn luôn là một khoảng cách.
Vì vậy, cùng với việc đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chủ động PCCC cho người dân và DN, tăng cường trang thiết bị PCCC, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC…, thì các cơ sở, DN sản xuất cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề, thường xuyên kiểm tra, sát hạch trình độ tay nghề đối với đội ngũ thợ hàn, cắt kim loại trước khi cắt cử công nhân tham gia thi công một công trình nào đó. Đặc biệt là công tác giám sát việc hàn, cắt kim loại trong khi sửa chữa, nâng cấp nhà cửa ở các khu dân cư. Bởi, chỉ cần một tia lửa nhỏ không được kiểm soát chặt chẽ của thợ hàn xì, sẽ là mối họa lớn cho xã hội khi ngọn lửa bùng lên thành đám cháy lớn.