Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66 về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản. Đến nay, số lượng tàu cá của cả nước phát triển rất nhanh với tổng số tàu khai thác thủy sản tính đến tháng 12/2015 là 107.041 chiếc. Số lượng tàu cá xa bờ tăng nhanh, từ khoảng 21.000 năm 2011 lên 30.558 tàu năm 2015. Mặc dù số lượng tàu cá ven bờ (công suất nhỏ) đã giảm được 2.740 tàu nhưng tỷ lệ tàu công suất nhỏ (dưới 90 CV) vẫn chiếm tới 71%.
Tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
|
Tàu cá Việt Nam chủ yếu dưới 24m và cũng chủ yếu là tàu vỏ gỗ, còn tàu vỏ sắt và composite chiếm số lượng không đáng kể. Vì vậy, những năm gần đây, tình hình tàu cá bị tai nạn thường xuyên xảy ra, đe dọa tính mạng và tài sản, gây lãng phí cho xã hội như phải tổ chức lai dắt, cứu hộ cứu nạn.
Theo ông Lưu Văn Huy - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT), tình hình tai nạn tàu cá và ngư dân trên biển đang có chiều hướng gia tăng những năm gần đây.
Từ năm 2010 đến năm 2015, cả nước đã xảy ra 3.967 vụ tai nạn làm chết 470 người, mất tích 442 người, bị thương 935 người do xảy ra các sự cố đâm va, mắc cạn, hỏng máy, phá nước, nổ bình ga, nổ ắc quy và các loại tai nạn khác. Chỉ riêng năm 2015 đã xảy ra 817 vụ tai nạn tàu cá và ngư dân trên biển.
Còn theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, trong tổng số 163 vụ tai nạn hàng hải mà cục tiếp nhận thông tin từ năm 2011 đến 2015 có 27 vụ liên quan tàu cá, tăng đột biến trong năm 2015 và đầu năm 2016. Trong đó có các vụ điển hình do tàu cá Việt Nam bị tàu lạ nước ngoài đâm va, đâm chìm. Đối với các vụ tai nạn xác định được tàu gây tai nạn, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhanh chóng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đối với các vụ liên quan tàu cá bị tàu lạ đâm chìm khi đang khai thác trên biển, việc xác minh và xử lý rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng nhìn nhận, hiện nay tàu cá và ngư dân đi biển khai thác hải sản không chỉ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mà còn đang chịu tác động của các vụ việc do “nhân tai” gây nên như tàu lạ đâm chìm, đâm va…
Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới là phải rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý an toàn tàu cá cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá và tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không cho các tàu cá không trang bị đầy đủ các thiệt bị an toàn ra khơi.
Đặc biệt, phát huy vai trò tổ đội sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, sự cố tai nạn trên biển. Bộ NN&PTNT cũng sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ trang bị thiết bị an toàn cho ngư dân khi đi biển như thiết bị tránh va đập AIS, phao cứu sinh và sớm xây dựng các trạm kiểm ngư trên đảo tiền tiêu theo Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư Việt Nam đến năm 2020 định hướng 2030…