Tái tạo nguồn thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có ...

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có hiệu lực (30/6/2004-30/6/2014), sáng 6/10, tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng, Ủy ban liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, với sự chứng kiến của đại diện các bộ, ngành và ngư dân trên huyện đảo.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Chủ tịch Ủy ban liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam cho biết, sự kiện này là thông điệp kêu gọi sự quan tâm, chung sức của mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

 
 Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Với khoảng 90.000 con giống gồm cá rô biển, cá vược, tôm sú, cua biển được thả là hành động thiết thực nhằm bảo vệ, tái tạo các loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao, các loài bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, ngành thủy sản Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong phát triển nền kinh tế đất nước cũng như trên trường quốc tế.

Từ một nghề cá thủ công quy mô nhỏ, hoạt động khai thác gần bờ đến nay ngành đã chuyển dịch theo hướng tăng cường khai thác hải sản xa bờ, khai thác các đối tượng thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 4,7 tỷ USD năm 2008 lên hơn 6,7 tỷ USD năm 2013.

Đến nay, thủy sản đã đóng góp khoảng 3,1% GDP và khoảng hơn 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho hơn 4,5 triệu lao động.

Mặc dù vậy, ngành cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn thách thức như suy giảm nguồn lợi ở các thủy vực nước mặn, nước lợ và nước ngọt; nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng nhanh khiến nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức; tình trạng nhiều loại thủy sinh có dấu hiệu suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng ở mức độ khác nhau…

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ là một trong những hoạt động được Ủy ban liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc thống nhất cùng triển khai trong năm 2014 để kỷ niệm 10 năm Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá có hiệu lực.

Hai Hiệp định này đã xác định rõ phạm vi và tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho việc mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trên Vịnh Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai, hai Hiệp định trên đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trong Vịnh Bắc Bộ.

Việc ký kết các Hiệp định này cũng thể hiện chính sách đúng đắn và thiện chí của Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các nước liên quan thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật quốc tế và thực tiễn quốc tế để giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa có liên quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần