Đồng bào và cử tri cả nước cảm nhận được có cái gì đó khác trước khi người chất vấn chủ động hơn, quyết tâm hơn với vấn đề mình quan tâm. Người trả lời cũng thẳng thắn, trách nhiệm hơn với những gì mình phải đối diện. Một Quốc hội tranh luận đã bắt đầu được thay thế cho không khí tham luận lâu nay cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, thực quyền hơn.
Một tấm biển, dù lớn hay nhỏ, sẽ mãi mãi là tấm biển mà chức năng của nó chỉ là để ghi lên đó một vài con số, một vài ký tự nhằm đánh dấu hoặc thông báo một sự vật, sự việc nào đó mà thôi. Tấm biển mà các đại biểu Quốc hội giơ lên cũng vậy. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nó chỉ được dùng để đánh số thứ tự người đi họp. Thế nhưng qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa rồi, đồng bào, cử tri cả nước đã đọc được trên những tấm biển nho nhỏ ấy dấu ấn của sự thay đổi. Đó là không khí thảo luận, tranh luận đến cùng để đi đến gốc rễ những vấn đề mà xã hội quan tâm. Tấm biển chỉ được giơ lên khi người chất vấn chưa thỏa mãn, chưa đồng tình với câu trả lời của người bị chất vấn. Vì thế mà nó mang theo bao tâm tư, nguyện vọng, sự mừng vui, nỗi lo lắng mà cử tri đã gửi gắm vào những người đại diện của mình. Vì thế, dẫu chỉ được đánh số là X, là Y, là Z… nhưng những tấm biển giơ lên trên Nghị trường chính là trách nhiệm của đại biểu với dân, với nước!
Bốn Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng và sau cùng là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời được những gì, qua các phương tiện truyền thông tin đại chúng, người dân đã nghe, đã thấy. Đánh giá thế nào là quyền của đại biểu và cử tri. Nhưng nhìn chung, mọi người đã nhìn thấy nhiều đổi mới trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đó là sự tranh luận sôi nổi giữa đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, qua đó làm rõ nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm; buộc các vị tư lệnh ngành phải nhìn nhận đầy đủ trách nhiệm của mình và thấy rằng cử tri đang mong muốn điều gì! Cách làm này đã tạo nên sinh khí mới, là bước đột phá quan trọng trong nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, bằng cách chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Qua đó, Quốc hội cũng sẽ thực quyền hơn!
Với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thì đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội trên cương vị mới. Dù thời gian nhậm chức chưa lâu, nhưng trước trách nhiệm nặng nề với nước với dân, không còn cách nào khác là phải minh bạch hóa hoạt động của Chính phủ với dân để dân hiểu, dân đồng thuận. Trước những tấm biển giơ lên giữa hội trường với thái độ truy vấn đến cùng của đại biểu, các thành viên Chính phủ đã không thể né tránh, vòng vo mà đã trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề cùng những cam kết mạnh mẽ với các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực mà mình phụ trách.
Những tấm biển giơ lên giữa Nghị trường tưởng nhỏ mà không nhỏ. Bởi đó là tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với dân, là tinh thần quyết liệt trước những vấn đề mà đất nước cần, Nhân dân khao khát. Đó còn là sự kỳ vọng về tinh thần nhìn thẳng, nói thẳng vào những khuyết điểm để tìm ra hướng khắc phục của Chính phủ. Sự kỳ vọng đó không phải không có lý khi trước Quốc hội, Thủ tướng chứ không phải ai khác đã không né tránh khi đề cập đến những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua: Từ chuyện văn hóa từ chức và chuyện phạt “thẻ vàng” hay “thẻ đỏ”; Tiếp đến là cam kết “không cho chìm xuồng những vụ việc tiêu cực, tham nhũng được phát hiện”, hay “Không để dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ tiếp tục trùm mền”…
Những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ với nhiều khó khăn, phức tạp, những câu chuyện thiên tai và nhân tai đang làm cho kinh tế đất nước chưa thực sự gượng dậy sau “bão gió”. Vì thế, trước những tấm biển giơ lên giữa Nghị trường, cam kết của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ không phải là một “liều thuốc an thần” mà đã thật sự đem đến cho Nhân dân sự kỳ vọng về sự thay đổi cho đất nước trên tinh thần “kiến tạo - hành động - liêm chính - vì dân” của Chính phủ mà Thủ tướng đã cam kết ngày nhậm chức.