Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạm dừng triển khai, tìm sự đồng thuận của dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) đã đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Tạm dừng triển khai, tìm sự đồng thuận của dân - Ảnh 1
Tiêu cực hơn, có hộ còn ngăn không cho con, cháu đi học để phản đối việc triển khai dự án lấy bãi giữ xe của chợ và trường học sát kề để xây dựng trung tâm thương mại. Vậy đâu là nguyên nhân của sự việc này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm về vấn đề này.

Người kinh doanh tại chợ Nành phản ánh, tại khu vực cạnh chợ Nành đã có 2 trung tâm thương mại (TTTM) nhưng chưa sử dụng hết công suất. Việc UBND huyện Gia Lâm có chủ trương xây thêm TTTM là lãng phí. Ông có ý kiến gì về phản ánh này của người dân?

- Chợ Nành (xã Ninh Hiệp) có diện tích 6.030m2, được xếp là chợ loại I. Hiện tại, đây có 1.200 hộ kinh doanh mặt hàng vải, quần áo do HTX dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp quản lý, khai thác. Qua quá trình sử dụng nhiều năm, cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống PCCC đã xuống cấp, không đáp ứng được các tiêu chí văn minh thương mại, an toàn cháy nổ. Trong khi số người mua bán, kinh doanh tại chợ liên tục tăng cao, chợ lại sát gần ngay trường học do đó nên việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng là đòi hỏi cấp thiết hiện nay, nhất là sau nhiều vụ chợ, trung tâm thương mại lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Đi cùng với công tác nâng cấp, cải tạo là yêu cầu về chuyển đổi mô hình quản lý từ HTX sang doanh nghiệp theo đúng chủ trương xã hội hóa đầu tư hệ thống chợ của TP.

 
Tạm dừng triển khai, tìm sự đồng thuận của dân - Ảnh 2
Ngày 9/3/2011, UBNDTP Hà Nội đã có Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND Ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Ngày 29/12/2011, UBND TP tiếp tục có Quyết định 6095/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2011 - 2015 trong đó có chợ Nành. Quyết định cũng nêu rõ đến năm 2015 phải hoàn tất việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Thực hiện chủ trương này, UBND huyện Gia Lâm đã từng đề xuất hướng cải tạo là "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nghĩa là, các hộ tiểu thương sẽ bầu ra Ban quản trị đại diện cho 1.200 hộ tiểu thương. Ban quản trị có trách nhiệm lập dự án xây dựng, cải tạo chợ với sự thống nhất của các hộ tiểu thương. Nguồn vốn xây dựng sẽ do các hộ tiểu thương đóng góp và Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, do các hộ kinh doanh không tự nhất trí với nhau nên phương án này không được thực thi.

Riêng với các chợ Phú Điền, Ba Za, Sơn Long đã được xây dựng trên địa bàn xã Ninh Hiệp, đây là những chợ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Chủ đầu tư bỏ vốn xây chợ, thu hút các hộ kinh doanh, tự hạch toán, các hộ tiểu thương có quyền quyết định có kinh doanh tại các chợ này hay không.

Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế và sự chỉ đạo của UBND TP thì việc UBND huyện Gia Lâm có chủ trương cải tạo chợ Nành là phù hợp với thực tế và sự chỉ đạo của cấp trên, không phải là sự đầu tư lãng phí.

Các hộ kinh doanh ở đây cho rằng, UBND huyện Gia Lâm chỉ định nhà đầu tư, không hỏi ý kiến người dân trước khi tiến hành cải tạo chợ là thiếu dân chủ? Vậy, UBND huyện trong quá trình cải tạo chợ có tuân thủ các quy định của pháp luật?

- Dự án xây dựng hạ tầng ở xã Ninh Hiệp nằm trong quy hoạch sử dụng đất và đề án nông thôn mới của TP Hà Nội. Việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Ninh Hiệp đã được UBND TP Hà Nội chỉ định nhà thầu từ năm 2013 tại các văn bản số 8685 và 8688/UBND-KH&ĐT các văn bản số 08/UBND-KH&ĐT ngày 2/1/2014. Trong đó chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, liên danh đầu tư là Công ty CP đầu tư và tư vấn Kim Điền  hoàn thiện hồ sơ, thực hiện dự án xây dựng chợ -TTTM tại ô đất TMTH1, TMTH2 với mục tiêu giãn bớt mật độ các hộ kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp, đồng thời đảm bảo việc PCCC, đạt tiêu chí văn minh thương mại. Điều đó cho thấy, UBND huyện Gia Lâm không vi phạm quy chế dân chủ mà Đảng và Nhà nước đã ban hành.

Một số hộ kinh doanh cho rằng, họ đang kinh doanh ở vị trí đắc địa nên không muốn chuyển, hoặc nếu chuyển đến điểm kinh doanh mới thì phí mua quầy hàng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay huyện và các DN được giao hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án mới chỉ tiến hành giải phóng một phần mặt bằng trên diện tích đất công để làm bãi đỗ xe. Trong quá trình thực hiện, chính quyền xã Ninh Hiệp và các DN này chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền quá trình triển khai dự án, gây bức xúc, khiến người dân tập trung tại trụ sở UBND xã Ninh Hiệp phản ánh kiến nghị và bày tỏ thái độ không đồng thuận với việc triển khai dự án. Đây là điều mà DN đầu tư, UBND xã Ninh Hiệp phải rút kinh nghiệm.

Để an dân và tạo sự đồng thuận từ phía các hộ kinh doanh tại chợ Nành, trong thời gian tới UBND huyện Gia Lâm sẽ có những giải pháp khắc phục như thế nào ?

- Trước mắt, UBND huyện yêu cầu các chủ đầu tư và UBND xã Ninh Hiệp tạm dừng triển khai những công việc đang làm tại ô đất TMTH1, TMTH2, tập trung chuẩn bị chi tiết, cụ thể các bước triển khai dự án theo trình tự quy định của pháp luật; Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, giải thích về mục đích, ý nghĩa của việc cải tạo chợ Nành, đặc biệt là yêu cầu bức thiết trong công tác bảo đảm PCCC. UBND huyện cũng yêu cầu xã Ninh Hiệp tăng cường quản lý việc sử dụng đất khu vực dự kiến đầu tư. Bên cạnh đó, UBND xã và những DN được giao đầu tư tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các hộ kinh doanh tại chợ Nành sớm thống nhất phương án cải tạo chợ theo hướng  đảm báo văn minh thương mại, phòng chống cháy nổ. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến người dân, chính quyền xã và chủ đầu tư báo cáo cụ thể để huyện trình UBND TP Hà Nội cho ý kiến chỉ đạo trước khi triển khai lập, thực hiện dự án.

Xin cảm ơn ông!