Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc cộng với sự chao đảo của chứng khoán toàn cầu đã khiến TTCK Việt Nam hôm nay (5/1) tiếp tục có phiên đỏ sàn. Trong bối cảnh sức cầu yếu và thận trọng, dòng tiền ngần ngại đứng ngoài thị trường quan sát không giao dịch mạnh.
Chứng khoán đỏ sàn
Trên HOSE, VN-Index đóng cửa phiên chiều 5/1 bị giảm 4,47 điểm (tương đương giảm 0,78%) lùi xuống còn 569,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 104.095.708 đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 1.546,06 tỷ đồng. Bảng điện tử nhiều sắc đỏ.
Các cổ phiếu lớn bị mất điểm hàng loạt khiến VN-Index thiếu trụ đỡ. Toàn sàn chỉ có 67 mã tăng giá, 75 mã đứng giá và 138 mã giảm giá. Cổ phiếu trụ cột đồng loạt lao dốc, trong đó: VNM và BVH giảm 1.000 đồng, VCB giảm 700 đồng, MSN giảm 500 đồng, STB giảm 300 đồng... Chính sắc xanh hiếm hoi le lói ở một vài cổ phiếu lớn đã giúp thị trường không bị giảm sâu thêm, trong đó tiêu biểu là KDC tăng 700 đồng, DPM tăng 300 đồng...
Trên HNX, tiếp đà đi xuống, đóng cửa, HNX-Index giảm mạnh 1,02 điểm (tương đương 1,29%) xuống còn 78,43 điểm. Thanh khoản thay đổi không nhiều. Mở cửa trong sắc đỏ, đồ thị giá lao dốc, rơi khỏi mốc 79 điểm ngay sau ít phút mở cửa. Gam đỏ ngày một trải rộng, chỉ số xuôi xuống, giảm liền mạch cho đến hết phiên. Toàn sàn ghi nhận 131 mã giảm, chỉ còn 67 mã tăng và 53 mã đứng giá. Chốt phiên, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 43,6 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 461,31 tỷ đồng.
Việc Trung Quốc áp dụng cơ chế “tự ngắt” nhằm kiềm chế biến động mạnh trên TTCK đã khiến tâm lý nhà đầu tư trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia kinh tế, dù là thị trường mới nổi nhưng nếu xét về vốn hóa thì đây được coi là thị trường lớn thứ hai thế giới, khi vốn hóa đã vượt ngưỡng 10.000 USD. Con số này chỉ đứng sau mức vốn hóa trên thị trường Mỹ (25.000 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Trung Quốc không chỉ có mối quan hệ thương mại lớn với phần còn lại của thế giới, mà nhiều tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng đang đầu tư hoặc kinh doanh ở Trung Quốc. Do đó, tác động cộng hưởng sẽ rất lớn.
Xu hướng giảm điểm tiếp tục trong ngắn hạn?
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm, trong khi quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Việt Nam lớn, nên các tác động trên sẽ ảnh hưởng vào Việt Nam và nhiều nước khác. Tác động đối với Việt Nam tuy chậm, nhưng kéo dài hơn so với nhiều nước. Vì vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ, đa dạng hóa thị trường cùng những chính sách xử lý khéo léo liên quan đến tỷ giá nhằm hạn chế tác động tiền tệ của Trung Quốc với Việt Nam.
Cũng theo ông Bằng, ngoài tiếp tục theo dõi sát sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại để có giải pháp phù hợp, trong năm 2016, cần chú ý tới khả năng giá dầu thế giới duy trì ở mức thấp, sẽ tác động đến ngân sách.
Còn ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán MaritimeBank đánh giá, khả năng điều chỉnh giảm của các chỉ số chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra trên thế giới và Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
“Có lẽ 6 tháng đầu năm 2016 sẽ vẫn tiếp tục thời điểm bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu. Biến động này không chỉ xuất phát từ sự suy thoái của một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Brazil..., mà các yếu tố chính trị, xung đột tôn giáo cũng sẽ là nhân tố góp phần ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư” - ông Khánh dự báo. Sự khởi sắc của chứng khoán toàn cầu theo vị chuyên gia này có thể chỉ đến vào 6 tháng cuối năm, khi mọi thứ trở nên ổn định hơn.
Kinhtedothi - Chứng khoán Trung Quốc đã có phiên đầu năm tồi tệ nhất hơn 20 năm qua. Ảnh: AP |
“Trong năm 2016, chúng tôi dự báo sẽ khó khăn hơn 2015. Do đó, phải thận trọng hơn trong quản trị rủi ro các hoạt động của thị trường. Mục tiêu mà Ủy ban chứng khoán đặt ra trong năm 2016 không phải là tăng trưởng, mà là tiếp tục giữ ổn định thị trường trước nhiều yếu tố tác động bất lợi”.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng
|