KTĐT - Chiều 29/7, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp bàn về chính sách tạm trữ cà phê. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc mua tạm trữ lần này là thành công. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị nên xây dựng chính sách thu mua tạm trữ thường niên.
Nỗ lực nâng giá
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vifoca), sau 3 tháng triển khai (từ 15/4 - 15/7) đã có 13 đơn vị thu mua được 62.948 tấn, đạt 31.4% định mức tối đa. Nhiều doanh nghiệp chỉ mua được rất ít so với chỉ tiêu được giao, ngay như Vinacafe mua được 20.646 tấn trong chỉ tiêu 90.000 tấn. Mặc dù vậy, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vifoca cho biết: "Sau khi thực hiện chính sách tạm trữ, giá cà phê trong nước tăng dần từ 13.000 đồng/kg lên đến 25.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất đạt 29.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu đang từ 1.270 USD/tấn lên 1.620 USD/tấn". Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cũng cho biết: Tuy sản lượng cà phê tạm trữ thu mua được còn thấp, nhưng đã góp phần cải thiện giá thị trường, nông dân tiêu thụ cà phê với giá cao hơn.
Nên xây dựng thành chính sách thường niên
Tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều kiến nghị xây dựng chính sách thường niên về mua tạm trữ cà phê. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc TCty CP Xuất nhập khẩu Intimex TPHCM chia sẻ: Hiện nay "nỗi đau" nhất của thị trường Việt Nam là bán hàng không theo giá thật mà bán trên sàn "ảo". Do đó, bị các nhà đầu cơ nước ngoài ném tiền vào lũng đoạn thị trường, có lúc giá cà phê bị đẩy xuống còn 1.220 USD/tấn. Việc thu mua tạm trữ đã gây bất ngờ cho nhà buôn thế giới. Nếu doanh nghiệp dự trữ sớm thì giá không thể giảm xuống còn 1.200 USD/tấn. Do đó nên được tiến hành thường niên để bảo vệ lợi ích của cả doanh nghiệp trong nước và nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị được "khơi thông" nguồn vốn. Vì hiện nay, nguồn vốn đến được tay doanh nghiệp còn quá ít, chậm và thủ tục rườm rà. Ông Đỗ Văn Nam, Tổng giám đốc TCty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết: Nếu ngân hàng giải ngân được sớm thì kết quả tạm trữ còn tốt hơn. Vì tuy được triển khai từ 15/4 nhưng tới 15/6 mới có vốn tới doanh nghiệp. Công ty chỉ mua được 12.700 tấn được mua theo vốn vay tạm trữ từ Ngân hàng NN&PTN còn lại vay của ngân hàng khác. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Thái Hòa kiến nghị nên cho nhiều ngân hàng tham gia giải ngân vì một ngân hàng NN&PTNTrất khó huy động mấy nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng đã chỉ đạo các địa phương góp ý dự thảo về chính sách tạm trữ cà phê, Bộ sẽ tổng hợp để trình Chính phủ trong thời gian tới.