Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tản mạn cuối năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối năm, nắng Sài Gòn đổ lửa, oi nồng. Thường thì, tháng 12 khá mát mẻ, buổi tối ra đường vừa khoác áo gió vừa xuýt xoa, thích thú như đang được hưởng tiết trời cuối thu đầu đông Hà Nội.

Song, năm nay khác hẳn, chẳng biết trời đất ra sao.Không khí như vón cục, phố phường đã chật chội lại càng như chật chội thêm bởi những gánh hàng bán dạo.
 
Nói cho ngay, mấy chục năm nay hình ảnh những đôi quang gánh như những cánh vạc tần tảo mưu sinh không còn xa lạ với người phố thị. Họ là những người nông dân tứ xứ, xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau, nhưng, cùng chung một mục đích: Vào Sài Gòn kiếm sống.Cuối năm, những đôi dép lê mòn vẹt của những người phụ nữ ấy như càng hối hả hơn.
 
Thời giảm phát, khó khăn tuy là khó khăn chung, nhưng với những người buôn thúng bán bưng thì tác động của nó rõ hơn ai hết. Họ tận dụng mọi không gian thời gian bởi năm hết Tết đến, cố bươn trải kiếm thêm một chút tiền còm gởi về quê cho chồng con.
 
 
Tản mạn cuối năm - Ảnh 1
 
Chợ Bến Thành là biểu tượng của TP.HCM, rực ánh đèn trong những ngày cuối năm để đón mừng năm mới.
 
Còn mình, nhiều người những ngày Tết lại ủ ê trong các gian trọ nhỏ.Báo chí đưa tin "Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận bắt quả tang 224 công chức tỉnh này "ăn gian" giờ làm việc" đã làm nhiều người sửng sốt. Bởi, từ câu chuyện này cho thấy thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức đang có vấn đề.
 
Thế nhưng, bạn tôi - người vì công việc đã có dịp đặt chân đến nhiều cửa "công đường" thì lại chỉ cười cười, anh bảo: "Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà". Ừ nhỉ! Ninh Thuận mới chỉ kiểm tra sơ sơ một số đơn vị đã lòi ra từng ấy công chức "ăn gian".
 
Vậy nếu kiểm tra cả 63 tỉnh, thành trên cả nước thì... Chịu!Những công chức "ăn gian" thường tận dụng giờ hành chính để làm việc riêng, hoặc chỉ đơn giản trốn việc để cà phê cà pháo, hay nhậu nhẹt bù khú với nhau… thế đã là tệ.
 
Nhưng, ở những hoàn cảnh rất cần sự khẩn trương thì sự vô cảm lại mang bộ mặt khác. Xin kể một câu chuyện nhỏ:Tháng 12 năm ngoái, tôi bị té gãy tay. 7 giờ sáng có mặt tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình thành phố: mua sổ khám bệnh, vô phòng cấp cứu chụp X-Quang, bác sĩ chẩn đoán rồi đến phòng bó bột lấy số thứ tự và… chờ! Qua một hai cửa khác, rồi đến cửa cuối cùng để được kê đơn thuốc và hẹn ngày tái khám.
 
Trước cửa phòng đông nghẹt người tay xách nách mang, phần lớn bà con từ các tỉnh lên. Máy lấy số tự động nhả số 96, tôi nhìn bảng điện tử dừng lại ở số 45, tôi nhìn đồng hồ gần 12 giờ trưa, bụng bảo dạ: Chắc phải đến chiều quá.Ngồi xuống ghế đá đợi, thời gian… trôi… trôi… trôi… con số 45 vẫn bất động… bệnh nhân ngồi chờ bất động… đau nhức, sốt ruột, tôi đi đi lại lại trước cửa phòng… vẫn lặng ngắt.
 
Đánh liều, tôi đẩy cửa bước vô, bàn ngoài cô y tá đang "nấu cháo" điện thoại, dãy bàn trong, vị bác sĩ khả kính gương mục kỉnh, trước mặt là tờ báo mở rộng, trong tư thế lim dim không biết ông đang đọc hay đang ngủ?
 
- Thưa…
 
- Để sổ đấy, ra ngoài chờ - cô y tá ngẩng lên, cau có.
 
Một lúc sau, loa phóng thanh: Mời bệnh nhân Đ.T.C.Tôi ngỡ ngàng đứng lên. Những người xung quanh nháo nhác: Đến sau mà được vô trước là sao? Tiếng ai đó: Chắc là người quen bác sĩ. Tôi cúi mặt, nhủ thầm: Thiệt tình tôi cũng không hiểu!3. Mắt nhắm mắt mở đọc cái tít: "Đội bóng đá sinh viên Thái Lan bị "ném đá" (Tuổi trẻ - 27/12/ 2012) bỗng dưng dựng tóc gáy: Khán giả ngồi trên khán đài mà ném đá thì vỡ đầu cầu thủ mất thôi!Vội đọc tiếp, hóa ra bỏ sót dấu nháy nháy ("  ").
 
Chẳng hiểu sao báo chí dạo này hay dùng chữ "ném đá" thế không biết?
 
Rằng: Ca sĩ X. bị "ném đá", người mẫu Y. bị "ném đá"… vân… vân… và… vân… vân… Chẳng những văn viết mà một vị quan chức của VFF trong một cuộc họp báo cũng bảo: … sợ dư luận "ném đá".
 
Không hiểu các đồng nghiệp lấy cảm hứng từ đâu? Chả lẽ từ hủ tục của một vài nước Trung Đông: Khi người phụ nữ đạo hồi phạm tội ngoại tình, sẽ bị trừng phạt bằng hình thức bị mọi người ném đá cho tới chết?
 
Chỉ có điều, giới truyền thông chúng ta đã từng mở nhiều diễn đàn về những bất cập trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay.
 
Vậy thì, cái tít kia nên chăng: Đội bóng đá sinh viên Thái Lan bị phản đối, hay: Đội bóng đá sinh viên Thái lan bị chỉ trích, hoặc: Đội bóng đá sinh viên Thái Lan bị phản ứng, thay cho "ném đá" làm đau thêm tiếng… nước mình!