Mới đây, tại BV Da liễu TPHCM, không ít các trường hợp vì cả tin, ham trắng da nhanh đã tìm đến các sản phẩm “trắng da siêu tốc” để rồi phải nhập viện chữa trị những biến chứng đáng sợ. Corticoid - một loại chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế - đang bị lạm dụng trong các loại kem làm trắng da siêu tốc trôi nổi trên thị trường.
Tàn tạ dung nhan vì kem trắng da siêu tốc
Với ước mơ trở thành một vũ công, T.T.A (19 tuổi, ngụ tại Long An) tìm đủ mọi cách để có thể sở hữu làn da “trắng không tì vết”. Nghe lời quảng cáo ngọt ngào của một người quen, T.A mua một loại kem làm trắng siêu tốc được quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về sử dụng.
Thời gian đầu, da T.A trở nên mịn màng, căng mọng, trắng đúng như mơ ước. Nhưng sử dụng được hơn 3 tuần, T.A phải nhập viện vì làn da bỗng nhiên nổi mụn, sần đỏ và ngứa rát.
Mặc dù là một dược sĩ nhưng chị N.H.Nh (38 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cũng không vượt qua được cám dỗ “tắm trắng siêu tốc”. Hơn 5 năm qua, chị vẫn tự tắm trắng tại nhà bằng một loại kem của người quen tự chế bán. Hậu quả là sau 5 năm, da chị không những trắng như người bị bạch tạng mà vùng da từ cánh tay đến bàn tay bắt đầu vón cục, nhăn nheo như tay người già. Một số vùng da lại trở nên mỏng dính, nhìn thấy cả mạch máu. Nhập viện, nghe bác sĩ nhắc đến cụm từ “nhiễm corticoid”, chị Nh hoảng sợ vì bản thân một dược sĩ như chị hiểu corticoid nguy hiểm như thế nào.
Nạn nhân của kem trắng da siêu tốc. Ảnh: BS Cẩm Anh
|
Trao đổi với phóng viên, ThS-BS Nguyễn Trọng Hào - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận rất nhiều ca bị biến chứng do mỹ phẩm làm trắng, tương tự như những trường hợp nêu trên. Bác sĩ Trọng Hào tỏ ra bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao vẫn còn nhiều người dám mua những mỹ phẩm như vậy về dùng”.
Bác sĩ cho biết, sự nguy hiểm của các loại mỹ phẩm, kem trộn làm trắng không rõ nguồn gốc được quảng bá làm trắng da cấp tốc đều có chứa corticoid. Vì không chất gì làm trắng nhanh và cấp tốc bằng chất này. Sở dĩ corticoid bị lạm dụng như trên là vì chất này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng mạnh. Khi mới sử dụng, corticoid còn làm làn da trở nên mọng và trắng do tác dụng giữ nước. Tuy nhiên, về lâu dài, corticoid sẽ làm tổn thương cấu trúc da, có thể gây mỏng da, teo da, giãn mạch, gây nên mụn trứng cá, sần đỏ, phồng rộp…
Bên cạnh đó, một số loại kem làm trắng da trôi nổi hiện nay còn có chứa cả thủy ngân. Nếu sử dụng lâu dài, thủy ngân sẽ tích tụ lại cơ thể và ảnh hưởng nặng nề đến nội tạng.
225.000 đồng cho công thức kem trộn siêu tốc
Là một trong những shop online bán mỹ phẩm làm trắng có lượng like gần 40 ngàn, trang Shi shop chuyên bán các sản phẩm làm trắng siêu tốc. Đặc biệt, chủ shop còn đăng những lời quảng cáo trên trời như: “Trắng nhanh gấp 3-5 lần loại kem thông thường; kem dành cho những ai da đen ngâm, đen bẩm sinh, da chai lì…”. Loại kem trắng siêu tốc mà shop này bán có giá khá cao. Hũ nhỏ có giá 210.000 đồng; hũ lớn 780.000 đồng.
PV liên hệ đặt hàng với chủ shop, người này cho biết, sản phẩm của shop được pha chế theo công thức độc quyền. Do đó, thành phần mỹ phẩm hoàn toàn bị “giấu nhẹm” trên bao bì.
Các loại kem trộn “hand made” cũng “lên ngôi”, được quảng cáo là làm trắng siêu tốc, vẫn bày bán tràn lan ở các chợ, các shop online. Được một người bán kem trộn mách nhỏ, phóng viên dễ dàng mua được công thức lẫn nguyên liệu làm kem trộn trắng da siêu tốc tại một số chợ ở TPHCM. Tại chợ Tân Định (quận 1, TPHCM), công thức lẫn nguyên liệu làm kem trộn chỉ có giá 225.000 đồng.
Chủ cửa hàng đưa ra hàng chục loại nguyên liệu mỹ phẩm với giá mỗi loại chỉ mười mấy ngàn đồng, có loại chỉ 5.000 đồng /2 hộp. Đáng chú ý, công thức kem trộn mà chủ cửa hàng này đưa ra có chứa cả Fluocinonide xuất xứ từ Trung Quốc - đây thực chất là corticoid có hoạt lực mạnh.
Bên cạnh chất này là kem tẩy trắng da cấp tốc (còn gọi là kem chua) có tác dụng tẩy da cực mạnh. Chủ cửa hàng cho biết, số nguyên liệu này mang về trộn có thể chiết ra được 40 hũ nhỏ để bán. Chủ cửa hàng cũng giới thiệu một số loại kem trắng da siêu tốc khác được “xách tay từ Hàn Quốc”. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm in toàn tiếng Hàn Quốc này lại không hề có mã vạch lẫn nơi sản xuất.
Hiện corticoid vẫn tồn tại trong các loại mỹ phẩm trôi nổi, không qua kiểm soát của cơ quan chức năng. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hào khuyến cáo, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp làm trắng siêu tốc, có thể thay đổi màu sắc của da. Do đó, chị em tuyệt đối không dùng những loại mỹ phẩm người bán tự pha trộn, không nhãn mác, không địa chỉ cơ sở sản xuất, không rõ nguồn gốc.