Những năm toàn quốc kháng chiến, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Phi Hiển lên đường vào Nam chiến đấu, làm nhiệm vụ lái xe thuộc Tiểu đoàn xe 58, rồi chuyển vào đơn vị V89 Đoàn 220, Quân khu 7 vùng miền Đông Nam Bộ. Ông Đặng Văn Năm lại là một người lính sửa chữa phà tự hành, bảo đảm cho xe tăng qua sông an toàn. Ông bắt đầu vào chiến trường năm 1965 và làm tại Xí nghiệp Ghép 49, trực thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Trong suốt 18 năm ròng chiến đấu dưới chân núi Thị Ve (Vĩnh Linh, Quảng Trị), chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội, nhưng ông Nam luôn tin đất nước nhất định có ngày được hoàn toàn độc lập.
Khi tổ quốc im tiếng súng, hai ông trở về đời thường lại hăng hái tham gia vào các mặt trận mới. Năm 2001, Hội CCB phường Trung Văn quyết định chọn hai hội viên làm nhiệm vụ quản nghĩa trang của phường. Vốn sẵn tinh thần nhiệt huyết, ông Hiển và ông Năm xung phong nhận nhiệm vụ, không nhận thù lao. Người thân và hàng xóm bảo các ông “gàn dở”, thích mua việc vào thân, nhưng hai ông vẫn kiên trì từng ngày, từng giờ chăm chút cho những linh hồn đã nằm lại. Nghĩa trang có khoảng 1.200 ngôi mộ, trong đó có gần 200 ngôi mộ vô danh luôn được hai ông nhang khói thường xuyên. Suốt năm tháng ấy, dấu chân của hai cựu chiến binh đã in dấu khắp khu nghĩa trang rộng rãi vắng vẻ này. Ông Năm tâm sự: “Là những người trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt, tôi đau xót khi bao đồng đội đã gửi thân nơi chiến trường mãi mãi không trở về. Vì thế tôi luôn tâm niệm phải sống hết mình, sao cho thật xứng đáng với những người đồng đội đã nằm xuống vì sự yên bình của tổ quốc”. Ông Hiển thì bộc bạch: “Tính cả đời lính lẫn thời gian quản nghĩa trang của chúng tôi cũng ngót 30 năm. Gia đình cũng từng nhiều lần có ý bảo chúng tôi nghỉ để an dưỡng tuổi già, nhưng tôi vẫn mong tiếp tục cống hiến cho xã hội và cộng đồng”. Những người dân trong phường còn kể, không chỉ tận tâm với những người đã khuất, hai ông còn là những tấm gương sáng về cách sống. Cách đây khoảng 10 năm, nghĩa trang xã Trung Văn còn là địa điểm của không ít con nghiện đến hút chích, chúng không ít lần có ý định lấy xe máy của các ông để đem bán. Thế nhưng, hai ông chẳng những không trách móc mà còn dùng lời lẽ tốt đẹp để khuyên răn, cảm hóa những người trẻ ấy trở về con đường lương thiện. Ông Trần Ngọc Tiêm, Chi Hội trưởng Hội CCB phường cho biết: Hội luôn đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm của hai đồng chí Nguyễn Phi Hiển, Đặng Văn Năm. Họ đã đem tinh thần và trách nhiệm ấy để làm việc một cách thầm lặng, tận tụy, không so đo thiệt hơn, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dù khó khăn, thiếu thốn, được Nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ. Sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích tập thể, đó không chỉ là phẩm chất của anh Bộ đội cụ Hồ mà còn thể hiện tấm lòng, tình cảm đối với quê hương khi vẫn còn sức cống hiến.
Chi Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Trần Ngọc Tiêm trao đổi với ông Hiển về hoạt động của nghĩa trang. |