Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường giải pháp bình ổn thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1/2016.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch đầu tư và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN); đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện tăng cường các biện pháp  bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, tiết kiệm, an toàn.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Báo cáo tại phiên họp cho thấy trong tháng 1/2016, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/2016 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư và dự toán NSNN; đề ra chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch; đồng thời tăng cường các biện pháp  bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, tiết kiệm, an toàn. Giá tiêu dùng ổn định không tăng so với tháng 12/2015; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ...

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (người phát ngôn của Chính phủ) cho biết, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh, vấn đề Biển Đông diễn biến phức tạp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng tốt. Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, các thủ đoạn gian lận do đo lường, đóng gói để tăng giá nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, để có biện pháp hỗ trợ DN, người dân kịp thời khi rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Chưa có phương án điều chỉnh giá điện

Về phương án hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân bị thiệt hại nặng trong đợt rét hại kỷ lục vừa qua, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cung cấp thông tin: Bộ đã cập nhật số gia súc chết là 9.000 con, gia cầm là trên 43.000 con, cây trồng trên 27.000ha. Bộ đã cử nhiều đoàn công tác của Bộ về các địa phương tổng hợp số liệu thiệt hại, có biện pháp bảo vệ tích cực hơn cho trâu bò, cây trồng. "Tổng cộng có 14 tỉnh bị thiệt hại, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị Chính phủ có hỗ trợ về thiệt hại cho bà con theo Quyết định 142 và Quyết định 49, nghĩa là hỗ trợ bằng tiền do thiên tai gây ra. "Trước mắt chúng tôi vẫn đề nghị các địa phương tạm ứng ngân sách của địa phương để hỗ trợ trước cho bà con, sau đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ sau" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.

Liên quan đến giá xăng dầu thế giới và trong nước giảm, giá điện trong nước có sự thay đổi hay không? Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, lượng điện chạy phát bằng dầu chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số lượng điện phát ra, do đó, giá dầu giảm ảnh hưởng không đáng kể đến giá thành điện. “Hiện nay, Bộ Công Thương chưa nhận được đề xuất điều chỉnh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Do vậy, trước mắt chưa có điều chỉnh tăng hay giảm giá điện”.

Trước những dư luận cho rằng, gói tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS 30.000 tỷ đồng nhiều ngân hàng dừng gói tín dụng này trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Chính phủ vẫn duy trì gói tín dụng này. Gói 30.000 tỷ đồng giải ngân kể từ ngày 1/6/2013 giải ngân tối đa 36 tháng tới 1/6/2016 mới kết thúc giải ngân. Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu đơn vị chức năng xem xét kiểm tra cụ thể, có thể cuối năm do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhiều ngân hàng đã đến đủ room nên tạm dừng. Tuy nhiên, sang năm 2016 có thể các ngân hàng tái khởi động nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp được tiếp cận vốn mua nhà.
Trả lời câu hỏi về phương án chuẩn bị nhân sự của Chính phủ đối với các bộ, ngành sau khi Đại hội XII kết thúc, trong đó có một số bộ, ngành không có Bộ trưởng nằm trong Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời: Về mặt nguyên tắc, công tác nhân sự là công tác của Đảng. Thời gian qua, Đảng đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với cấp ủy các cấp, theo đó quy hoạch phải mở và đóng. Có nghĩa là mỗi chức danh đều có một, hai hoặc ba hoặc thậm chí hơn nữa số người chuẩn bị kế thừa. Ngược lại, một người, một cán bộ cũng có thể được quy hoạch cho vài chức danh để khi cần thiết có thể điều động bổ sung.