Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tập trung bàn thảo hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho DN, thực hiện tái cơ cấu DN Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý… là những nội dung của Phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ.

Điều hành kinh tế đang đi đúng hướng

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã  hội 7 tháng năm 2012 của Chính phủ cho thấy, các giải pháp kiềm chế lạm và  ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm và có trị số âm trong 2 tháng qua. So với tháng trước, CPI tháng 6 giảm 0,26%, tháng 7 giảm 0,29%. Trước những lo ngại về tình trạng giảm phát trong thời gian tới, ý kiến của hầu hết các thành viên Chính phủ đều cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy thấp hơn so với các năm gần đây và so với mục tiêu đề ra nhưng nếu đánh giá một cách khách quan, tốc độ này vẫn khả quan khi đặt vào bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây là cơ hội để thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế vốn dựa trên cơ sở phát triển chiều rộng dựa vào vốn vay, tài nguyên và lao động giá rẻ thời gian qua để chuyển cơ bản sang phát triển theo chiều sâu, dựa vào sự ổn định của nền kinh tế và tiến bộ của khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới bên cạnh việc tiếp tục các mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng cần có những chính sách giúp nền kinh tế tăng trưởng hợp lý; góp phần tránh tình trạng điều hành "giật cục", ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới. Thời gian qua, nhiều biện pháp đã được áp dụng nhằm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực rà soát, đánh giá dư nợ các khoản cho vay cũ để xem xét điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11 - 13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12 -16%/năm. Thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống được cải thiện. Ngoài nguồn vốn đầu tư đã được phê duyệt từ đầu năm là 180.000 tỷ đồng, hơn 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, ngoài ra là các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác chưa được giải ngân nhiều trong những tháng đầu năm sẽ là dư địa tín dụng không nhỏ cho tăng trưởng hợp lý những tháng còn lại của năm.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng thị trường - Ảnh 1

Sản xuất đồ nhựa gia dụng tại HTX Song Long. Ảnh: Việt Linh

"Việc trao quyền tự chủ về giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo đúng các nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước (theo Nghị định 84/2009/NĐ- CP).  DN được quyết định giá nhưng trong biên độ không quá 7%, thời gian điều chỉnh tối thiểu 10 ngày. Buộc DN phải tính toán giá cơ sở với giá hiện hành đồng thời phải đăng ký giá với Bộ Tài chính. Trong trường hợp cần thiết, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ có biện pháp về giá, thuế, quỹ bình ổn giá để điều hành".
 
Vũ Thị Mai Thứ trưởng Bộ Tài chính

Tăng trưởng ở mức hợp lý song phải bền vững

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng cho ý kiến về Nghị định phân công, phân cấp trong quản lý DN Nhà nước, một vấn đề được nhiều người dân quan tâm khi mà một loạt các DN Nhà nước lớn hoạt động kém hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế, tiềm lực của mình. Tuy không quay lại chế độ bộ chủ quản trong việc quản lý DN Nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư 3 nhưng tăng cường vai trò của DN Nhà nước, làm rõ hơn trách nhiệm chủ sở hữu là một trong những yêu cầu cấp thiết trong việc tái cơ cấu, các tập đoàn, tổng công ty, DN Nhà nước hiện nay. Đi liền với đó, Nghị định mới sẽ làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ chuyên ngành, liên ngành và hội đồng thành viên tại các DN trong việc quản lý các DN này.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, đặc biệt là những DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... Tại phiên họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, tới thời điểm hiện tại, nợ xấu của ngân hàng khoảng 8,6%, hầu hết các khoản nợ xấu đều được bảo đảm bằng tài sản. Việc xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xử lý tích cực, đảm bảo được tính an toàn của toàn hệ thống ngân hàng.

Trong kết luận của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý song phải là tăng trưởng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. Tăng trưởng nhưng không gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như không làm lạm phát cao trở lại. Thủ tướng cũng yêu cầu, việc hỗ trợ lãi suất phải xác định rõ, hỗ trợ cho mặt hàng nào, lĩnh vực nào; phải đảm bảo được tính thiết thực, hiệu quả; không làm tràn lan, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước... phải được thực hiện quyết liệt.

Đề xuất thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế
 
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 31/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ là 9 triệu đồng/tháng (hiện là 4 triệu đồng/tháng), mức giảm trừ gia cảnh cũng được nâng từ 1,6 triệu đồng hiện nay lên 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng trên 20%, Bộ Tài Chính sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội điều chỉnh. Với mức thuế mới này sẽ có khoảng 70% (khoảng 2,6/3,8 triệu người đang phải nộp thuế hiện nay) sẽ không phải chịu thuế TNCN. Số thuế giảm tương ứng khoảng 5.300 tỷ đồng vào năm 2013 khi Luật có hiệu lực (vào ngày 1/7/2013) và khoảng hơn 13.000 tỷ đồng năm 2014.