Sau khi Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 kết thúc, những thách thức địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, như chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, căng thẳng tiếp diễn tại Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ngay trong bài phát biểu đề dẫn quan trọng tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề xuất, tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á. Ảnh: TTXVN
Một ngày sau bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bộ trưởng quốc phòng của một số nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hối thúc việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) và có các hành động cụ thể để xây dựng lòng tin nhằm tránh làm cho tình hình ở Biển Đông thêm căng thẳng.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng được các quan chức quốc phòng và giới học giả cùng báo chí quốc tế đón nhận tích cực và khẳng định đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực để xây dựng lòng tin chiến lược trong khu vực. Hàng loạt hãng tin, website nước ngoài, từ những tờ báo hàng đầu châu Á như tờ Straits Times, AsiaOne, Channelnewsasia, đến những hãng tin lớn nhất thế giới như Reuters, BBC, NBC... đều đăng tải tin, bài nêu bật thông điệp của Thủ tướng về xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các học giả nổi tiếng cũng nhận định, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu được nét chính của tình hình khu vực một cách khách quan, chân thành, thẳng thắn và có tính xây dựng.
Đồng thời đưa ra được giải pháp cụ thể là hợp tác quốc tế, trên cơ sở cơ bản là luật pháp quốc tế, vừa hợp pháp vừa thể hiện được cách đối xử bình đẳng giữa các quốc gia với nhau. GS Kanti Bajpai, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore nhận định, điều quan trọng nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên phát biểu tại Đối thoại, nó cho thấy Việt Nam rất được quan tâm và coi trọng tại Diễn đàn này. Điểm thứ hai là bài diễn văn đã nêu lên quan điểm về lòng tin chiến lược trong khu vực. Ông Petr Tsvetov, nhà phân tích chính trị của Nga thì nhấn mạnh: "Tuy ngắn gọn nhưng rất dễ hiểu, bài phát biểu như đã đưa ra một phương thuốc, hay nói một cách khác là cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay".