Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê Công

Hà Phương - Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Thượng đỉnh DN tiểu vùng Mê Công (GMS) là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác GMS mở rộng lần thứ 6 (GMS6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV10) diễn ra từ ngày 29 - 31/3.

 
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 15/3. Theo đó, Hội nghị Thượng đỉnh GMS6 và Hội nghị Cấp cao CLV10 năm nay sẽ diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng” với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu.
Các chủ đề được thảo luận xung quanh hội nghị sẽ tập trung vào kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập hợp tác GMS, qua đó xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mê Công thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên Việt Nam đưa ra sáng kiến về việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh DN GMS với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa DN và Nhà nước, kết nối các DN trong khu vực và thế giới.
Tại phiên đối thoại trực tiếp giữa các DN và Chính phủ (chiều ngày 30/3) sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hiện đã có hơn 200 DN từ trong và ngoài nước đăng ký tham gia diễn đàn, đặc biệt là sự quan tâm từ các DN Trung Quốc.

Cũng trong ngày 15/3, Cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng (Hiệp định GMS - CBTA) đã kết thúc tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã nêu rõ tầm quan trọng trong việc kết nối vận tải đường bộ giữa 6 nước GMS, khuyến nghị mở rộng phạm vi của chương trình hạ tầng phần cứng - kết nối giao thông trong GMS bao gồm cả đường bộ và đường sắt.
Đặc biệt, các nước thành viên GMS cam kết triển khai có hiệu quả Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới các nước GMS (Hiệp định GMS - CBTA), chú trọng áp dụng các chính sách tạo thông thoáng vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới các nước, qua đó thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế. Biến hạ tầng được các nước phối hợp xây dựng thành các hành lang kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển du lịch và thương mại, tạo sự gắn kết về lợi ích và hòa bình trong khu vực.