Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt-Lào

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ ngày 24-26/11 tới.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong nhiều năm qua , mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Qua quá trình lịch sử, quan hệ Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; các nội dung tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào và đạt được những kết quả tích cực.
Quan hệ chính trị giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ , ngày càng gắn bó, tin cậy. Hai bên đã phối hợp tổ chức các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; mở các lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ Đảng, chính quyền đoàn thể các cấp của Lào; tăng cường trao đổi thông tin, hội thảo lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội; phối hợp tuyên truyền sâu rộng về truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được tăng cường và có hiệu quả thực chất. Hai bên đã ký kết và thực hiện tốt các văn bản pháp lý quan trọng về đường biên mốc giới, tăng cường hợp tác trong quản lý và xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển bền vững.
Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Hai bên cũng tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào trong năm 2017.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào trong những năm gần đây ngày càng khởi sắc, bước đầu tạo nền tảng vật chất để tăng cường liên kết và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Nhờ các chính sách ưu tiên, ưu đãi hợp lý của cả hai bên nên thương mại Việt Nam-Lào tăng trưởng đều trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm nay đạt gần 600 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Lào khoảng 3 40 triệu USD và Lào xuất sang Việt Nam hơn 25 0 triệu USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Việt Nam 266 dự án được cấp chứng nhận đầu tư tại Lào, với tổng số vốn khoảng 5,5 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm và góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại Lào.
Các dự án đầu tư chủ yếu về thủy điện, khoáng sản, trồng cao su và cây công nghiệp, giao thông vận tải. Hai bên đã ký thỏa thuận về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030...
Hai bên chủ động phối hợp trong việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký kết, cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Hai bên đặc biệt quan tâm và tích cực triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020; tiến hành tổng kết đánh giá hợp tác giáo dục-đào tạo giai đoạn 2011-2015 và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020; phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào. Hiện có hơn 12. 000 cán bộ, sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam và ngày càng nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam học tập tại Lào.
Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, xã hội, văn hóa, du lịch… được quan tâm thúc đẩy.
Quan hệ giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đóng vai trò quan trọng, thiết thực và hiệu quả trong quan hệ hai nước. Các tỉnh, thành phố của Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác, giúp các địa phương của Lào trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, phát triển nguồn nhân lực.
Tiêu biểu như thủ đô Vientiane có quan hệ hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, An Giang, Đồng Nai…
Tỉnh Borikhamxay có quan hệ hợp tác với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác của Việt Nam. Hai bên thường xuyên tổ chức các đoàn sang thăm lẫn nhau, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; bảo đảm an ninh quốc phòng; giáo dục đào tạo, phát triển nguồn lực; phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định đường lối, chủ trương nhất quán của Việt Nam trong quan hệ với Lào; tập trung củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong giai đoạn phát triển mới của mỗi Đảng, mỗi nước; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào.
Chuyến thăm lần này, hai bên trao đổi chủ trương, định hướng và các nội dung hợp tác, biện pháp lớn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020 trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước./.