Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ.

 Trong đó quy định việc xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, tuân thủ giấy phép xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng có liên quan. Hiện dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ ban hành.

Theo nội dung của Dự thảo, những quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng được áp dụng đối với các hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng nhà ở riêng lẻ. Cụ thể, tùy theo quy mô nhà ở, mà việc kiểm tra điều kiện địa chất khu vực xây dựng được thực hiện theo các quy định khác nhau.

 
Xây dựng nhà ở riêng lẻ phải phù hợp với quy hoạch.
Xây dựng nhà ở riêng lẻ phải phù hợp với quy hoạch.
Trong đó, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m thì chủ nhà tự tổ chức khảo sát xây dựng. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên hoặc từ 3 tầng đến dưới 7 tầng thì khuyến khích chủ nhà thuê cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát xây dựng công trình.

Trường hợp không thuê khảo sát xây dựng, chủ nhà tham khảo một trong các phương pháp như: kiểm tra trực tiếp thông qua hố đào thủ công để xác định chiều dày, chất lượng các lớp đất và xác định lớp đất dự kiến đặt móng nhà; tham khảo số liệu khảo sát địa chất công trình và giải pháp xử lý nền, móng của các công trình liền kề, lân cận; tham khảo số liệu địa chất công trình nơi xây dựng nhà ở do cơ quan có chức năng hoặc có thẩm quyền cung cấp và chủ nhà tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khảo sát xây dựng nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận. Đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê đơn vị khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát xây dựng công trình.

Việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định sử dụng vật liệu xây dựng, đảm bảo mỹ quan, an toàn chịu lực và môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ và điều kiện an toàn khác. Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m thì chủ nhà được tự thiết kế xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình liền kề, lân cận. Nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên hoặc từ 3 tầng đến dưới 7 tầng hoặc có tầng hầm hoặc cải tạo nâng tầng thì chủ nhà phải thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thiết kế xây dựng công trình. Còn đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên thì chủ nhà phải thuê đơn vị có đủ điều kiện năng lực theo quy định (danh sách được công bố trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng) để thực hiện thiết kế và thẩm tra thiết kế. Chủ nhà nộp hồ sơ thiết kế và thẩm tra thiết kế tại cơ quan cấp giấy phép xây dựng để được tổ chức thẩm định theo quy định Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn trước khi cấp giấy phép xây dựng.

Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, việc quản lý, giám sát công trình xây dựng rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình xây dựng. Dự thảo quy định rõ, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m thì chủ nhà tự tổ chức thi công xây dựng nhà ở và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thi công xây dựng, an toàn và vệ sinh môi trường, an toàn công trình nhà ở và các công trình liền kề, lân cận.

Nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng từ 250m2 trở lên hoặc từ 3 tầng đến dưới 7 tầng hoặc có tầng hầm hoặc cải tạo nâng tầng thì khuyến khích chủ nhà thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thi công xây dựng công trình.

Còn đối với nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê tổ chức, cá nhân thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, chủ nhà có trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu theo quy định. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu có tranh chấp với chủ các công trình liền kê, lân cận, Thông tư quy định cách giải quyết cụ thể. Đó là, trước khi thi công, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận.

Trong quá trình thi công nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sụp đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với các chủ công trình liền kề, lân cận kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh giữa chủ nhà với chủ các công trình liền kề, lân cận được giải quyết theo quy định của pháp luật.