Nếu không làm tốt, đây chính là lực cản lớn cho các địa phương trong việc tạo ổn định, đồng thuận để phát triển. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu các cấp.
Vẫn diễn biến phức tạp
Trong năm 2016, các cơ quan chức năng của TP đã giải quyết 2.818 vụ/3.178 vụ khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ 88,7%; nhiều vụ việc phức tạp, đông người liên quan đến công tác thu hồi đất, GPMB, giao đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... được tập trung giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương như các quận Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, số lượng đơn thư KNTC vẫn có chiều hướng gia tăng với những tình tiết phức tạp hơn. Nguyên nhân do thiếu sự đồng bộ trong cơ chế; chính sách pháp luật liên quan đến giải quyết KNTC ở một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, thống nhất, nhiều văn bản có sự chồng chéo. Mặt khác, còn có nguyên nhân chủ quan do công tác tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu; việc giải quyết khiếu nại của một số đơn vị còn chậm so với quy định, chất lượng chưa cao. Đáng lưu ý, việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý tố cáo ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, thiếu kiên quyết dẫn đến người KNTC phải đi lại nhiều lần, gây bức xúc, tiếp tục khiếu kiện, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.
Cuộc họp giữa lãnh đạo phường Vĩnh Tuy với Tổ hòa giải địa bàn dân cư số 21 của phường để giải quyết mâu thuẫn tại cơ sở. Ảnh: Thùy Linh |
Từ tình hình trên, ngày 16/12/2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, Chỉ thị đã yêu cầu rất cụ thể: Người đứng đầu các cấp, các ngành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Thành ủy cũng yêu cầu phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin kịp thời, chính xác các vụ việc KNTC của người dân trên địa bàn, góp phần định hướng dư luận xã hội, không để các tổ chức, cá nhân chống đối lợi dụng xuyên tạc, gây phức tạp tình hình. Nâng cao chất lượng, hình thức tư vấn pháp luật cho người dân, công tác hòa giải ở cơ sở nhằm giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở.
Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các cấp, các ngành của TP đã khẩn trương cụ thể hóa ngay. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, năm 2017, quận sẽ chọn trọng tâm là tiếp công dân, giải quyết KNTC lĩnh vực đô thị, GPMB. Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ khẳng định, thời gian tới, huyện sẽ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, làm sao bảo đảm giải quyết đúng trình tự, thời gian, tập trung những vụ khiếu nại đông người, phức tạp. Huyện sẽ quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết đơn thư...
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt Chỉ thị 15-CT/TU, lãnh đạo một số địa phương cũng đã kiến nghị, đề xuất TP có hướng dẫn về quy chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, nội chính để tăng cường sự tuân thủ pháp luật trong giải quyết KNTC. Khi quận, huyện, thị xã có văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành TP liên quan đến giải quyết đơn thư KNTC của công dân thì cần sớm trả lời cụ thể, rõ ràng. Thanh tra TP tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong tiếp dân, giải quyết KNTC.
Không đùn đẩy trách nhiệm
Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng nhận định, để làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, hơn ai hết, thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với công tác này; từ đó tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở, không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Giải quyết KNTC phải dứt điểm chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền. Cần coi trọng phòng ngừa KNTC phát sinh và khi đã phát sinh rồi thì phải giải quyết chính xác, kịp thời.
Để phòng ngừa KNTC phát sinh, theo Chánh Thanh tra TP, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cần làm tốt công tác quản lý Nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch, nhất là trong công tác GPMB, cưỡng chế thu hồi đất hay thực hiện các chủ trương về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi mô hình chợ truyền thống. Đây là những lĩnh vực thường xuyên phát sinh KNTC đông người, phức tạp.
Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy với các địa phương để triển khai Chỉ thị 15 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh yêu cầu, tinh thần chung là rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm thực hiện; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong công tác tiếp dân và giải quyết KNTC công dân. Bởi lẽ, không ít vụ việc phức tạp xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, nhưng không được giải quyết, hòa giải kịp thời từ cơ sở, gây bức xúc kéo dài. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người đứng đầu quận, huyện, thị xã, sở, ngành trong công tác giải quyết KNTC của công dân. Tăng cường hình thức đối thoại để giải thích, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những bất cập cho phù hợp. “Cần phải tập trung giải quyết dứt điểm từng vụ việc. Sau tiếp dân, các địa phương nên có thông báo kết quả với dân và lần tiếp công dân tới tiếp tục có hồi âm trở lại thì việc giải quyết KNTC sẽ đạt hiệu quả cao hơn” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.
Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng: Sẽ thanh tra về tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo Năm 2017, Thanh tra TP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các đơn vị trong việc tiếp dân, xử lý đơn và giải quyết KNTC để chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém; báo cáo TP xử lý nghiêm theo quy định những trường hợp không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP như tinh thần Chỉ thị 15-CT/TU. Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn: Cần xử lý nghiêm việc lợi dụng khiếu kiện gây mất ổn định Có một số công dân cố tình khiếu kiện kéo dài dù đã được các cấp, các ngành nhiều lần giải quyết. Tôi đề nghị với những trường hợp như vậy các cơ quan chức năng phải có thái độ dứt khoát, từ chối tiếp, không chuyển đơn về huyện nữa, thậm chí xử lý một số vụ lợi dụng khiếu kiện để gây mất ổn định tình hình. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn: Phải đặt mình vào địa vị người dân Để giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của dân, địa phương cần quan tâm tới vai trò người đứng đầu, chủ động giải quyết vụ việc từ cơ sở. Lãnh đạo phải đặt địa vị mình vào người dân để giải quyết từng vụ việc một cách có lý, có tình, triệt để; định kỳ lãnh đạo huyện nghe các cơ quan, xã báo cáo về giải quyết đơn thư, giao ban hàng quý. Năm tới, chúng tôi sẽ mời thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong huyện để phát sinh khiếu nại, tố cáo trực tiếp tiếp công dân cùng Bí thư, Chủ tịch huyện. |