Phải cung cấp thông tin tốt hơn cho báo chí
ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đặt vấn đề về việc có quá nhiều cơ quan báo chí và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ TT&TT trong quy hoạch mạng lưới báo chí như thế nào để tránh lãng phí nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh. Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng hiện có nhiều tờ báo "lá cải" với các thông tin độc hại, giật gân câu khách, tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để do sự thiếu kiên quyết của các đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành quy chế về cung cấp thông tin và người phát ngôn cho báo chí nhưng một số cơ quan, tổ chức không thực hiện đúng, ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền lợi về thông tin cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
|
Trả lời vấn đề này, bên cạnh việc nhấn mạnh đến những đóng góp to lớn của báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thừa nhận còn không ít tờ báo, trang mạng chưa thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, sa đà vào những thông tin ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục. "Báo chí không chỉ là người cung cấp thông tin mà còn xây dựng lòng tin", Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ ban hành nhiều quy định hơn nữa để báo chí hoạt động tốt hơn, đồng thời sửa đổi Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn. Bộ có trách nhiệm tạo điều kiện để báo chí được tiếp cận nguồn tin chính xác, đầy đủ nhất. Bên cạnh đó, khi phê phán mặt trái xã hội, báo chí không nên đưa tràn lan, tạo tâm lý hoang mang trong xã hội. Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới sẽ tăng cường thanh, kiểm tra báo chí và đề nghị các cơ quan chủ quản cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, để báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích.
Liên quan đến báo chí, một số ĐB băn khoăn về quản lý các mạng xã hội và việc một số thông tin trên báo chính thống đưa chậm hơn mạng xã hội.
Giải thích về tình trạng "chậm" này, Bộ trưởng cho rằng báo chí phải có quy chế xác định nguồn tin, nên cần thời gian thẩm định, trong khi đó các trang mạng cứ có tin là đưa, không kiểm định đúng sai. Thứ nữa, một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và cần phải chấn chỉnh nghiêm túc. Về các mạng xã hội, Bộ trưởng đánh giá bên cạnh nhiều lợi ích, cũng có không ít trang mạng đưa thông tin sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, một số mạng dùng máy chủ ở nước ngoài nên khó kiểm soát.
Tăng giá cước 3G là “đánh” vào người giàu
Một nội dung được các vị ĐB quan tâm, chất vấn Bộ trưởng là việc tăng giá cước 3G có hợp lý và đi cùng với chất lượng thì dịch vụ tương xứng thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong một thời gian dài thị trường viễn thông Việt Nam đã duy trì ổn định và giá 3G tương đối thấp, chưa bằng 50% giá thành, thấp hơn 34 lần so với khối ASEAN. Vì vậy, việc tăng giá cước 3G gần đây là phù hợp với lộ trình và các điều khoản pháp luật, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, các nhà mạng lớn đều là DN Nhà nước, có đóng góp lớn cho ngân sách, nên tăng cước cũng là tăng đóng góp cho Nhà nước. Bộ trưởng cho rằng, việc tăng giá cước là "đánh" vào người thu nhập cao, dùng smart phone và đề nghị "người tiêu dùng cũng cần chia sẻ với các nhà mạng vì tất cả hạ tầng viễn thông, thiết bị nhập ở nước ngoài tới 80%". Ông Nguyễn Bắc Son cũng tin tưởng, trong thời gian tới, các nhà mạng sẽ có thêm nguồn lực để cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chia sẻ với bức xúc của các ĐB về việc sim rác gây nhức nhối, Bộ trưởng cho biết, tại các nước, muốn mua sim điện thoại rất khó, phải lưu lại hộ chiếu, đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân mới mở được dịch vụ thoại. Trong khi đó, ở nước ta, sim rác - tức là sim không có đăng ký thông tin cá nhân vẫn tràn lan. Bộ trưởng thừa nhận công tác quản lý về vấn đề này chưa đạt yêu cầu, dù cũng đã có quy định kê khai thông tin nhưng các nhà mạng, đại lý vẫn lách luật. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra và yêu cầu các nhà mạng phải nghiêm túc thực hiện, đảm bảo mỗi sim điện thoại đều phải có danh tính cụ thể.