KTĐT - Việc tăng giá điện sẽ tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,54%-0,72%, trong đó, số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất khoảng 9.600 tỷ đồng, làm giá thành các ngành sản xuất tăng từ 0,02-9,03%.
Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy với giá bán điện bình quân mới là 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ 1/3 tới, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010, tổng số tiền điện tăng thêm trong năm 2011 do tăng giá điện khoảng 19.000 tỷ đồng.
Việc tăng giá điện sẽ tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,54%-0,72%, trong đó, số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất khoảng 9.600 tỷ đồng, làm giá thành các ngành sản xuất tăng từ 0,02-9,03%.
Tác động của tăng giá điện đến khối hành chính sự nghiệp là không lớn, khoảng 832 tỷ đồng, bằng 0,8% tổng chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước năm 2011.
Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo có mức tiêu thụ điện từ 50kWh/tháng trở xuống, tiền điện phải trả không tăng; hộ có thu nhập trung bình có mức tiêu thụ điện từ 100 kWh/tháng trở xuống, tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 21.400 đồng/tháng.
Đối với hộ thu nhập khá có mức tiêu thụ điện hàng tháng đến 200 kWh, tiền điện phải trả tăng thêm tối đa là 55.700 đồng/tháng, chiếm khoảng 1,39% thu nhập.
Đối với hộ thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400 kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 97.000-140.000 đồng/tháng.
Giá bán điện được áp dụng biểu giá điện bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 7 bậc, với bậc thang đầu tiên từ 0-50kWh, có mức giá tương đương giá bán điện bình quân năm, giá bán điện cho các bậc thang tiếp theo tăng dần để khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện và bù giá cho người nghèo.
Các hộ sử dụng điện thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo theo tiêu chí của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ được bù giá cho 50kWh điện, với tỷ lệ bù giá là 40% cho hộ nghèo và 20% cho hộ cận nghèo. Tiền bù giá điện cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo được lấy từ tiền bán điện. Việc chi trả tiền bù giá điện tới các hộ sử dụng điện trong danh sách hộ nghèo và hộ cận nghèo hàng năm do các đơn vị thực hiện chính sách xã hội chịu trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Điểm mới của tăng giá điện lần này sẽ tiến hành thí điểm áp dụng giá điện trả trước sử dụng thẻ cho nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn (sinh viên, người thuê nhà).
Khung giá cho điện sinh hoạt tại các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia gồm giá trần và giá sàn, trong đó giá sàn bằng 1,5 lần giá bán điện trung bình năm, giá trần bằng 2,5 lần giá bán điện trung bình năm.
Giá điện Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong các nước Đông Nam Á, chỉ khoảng 5,2 cent/kWh (theo tỷ giá 19.500 VND/USD) và thấp hơn cả giá thành cho sản xuất kinh doanh điện với các yếu tố đầu vào theo giá thị trường.
Giá điện thấp là nguyên nhân chính làm cho các dự án điện không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, dẫn đến tình trạng thiếu điện luôn xảy ra trong những năm qua./.