- TLĐ đề xuất tăng 13,3% căn cứ vào mức thiếu hụt LTTV so với nhu cầu sống tối thiểu của công nhân lao động. Năm 2016, chúng tôi có báo cáo khảo sát chỉ rõ mức thiếu hụt của LTTV so với nhu cầu sống tối thiểu gần 21%. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng LTTV năm 2017 lên 7,3%, như vậy vẫn thiếu hụt 14% nữa.
Thứ hai, chúng tôi bám vào đó là mức độ tăng giá của nền kinh tế (CPI), ước khoảng 4 - 5%. Tiếp nữa, sự tăng trưởng của nền kinh tế có đóng góp của công nhân lao động. Tình hình sụt giảm đời sống của người lao động (NLĐ) là một yếu tố để chúng tôi đề xuất mức tăng 13,3%. Năm 2017, LTTV đã được điều chỉnh tăng 7,3%, góp phần cải thiện đời sống của NLĐ. Thế nhưng, cuộc sống của họ vẫn hết sức khó khăn. Khảo sát mới nhất của chúng tôi, chỉ có 40% công nhân được hỏi trả lời phải chi tiêu tiền lương rất tằn tiện mới có thể bù đắp được. Chỉ khoảng 8% công nhân tích lũy số tiền rất thấp, nhiều nhất là 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng.
Phiên thảo luận tăng LTTV năm 2018 gần đây nhất, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) đưa ra 3 mức tăng là 5%, 6% và 6,8% đã tính trượt giá tiêu dùng 4% và 1% tăng năng suất lao động. Ông có bình luận gì về 3 mức này?
- Cách tính này mới chỉ giải quyết 2 vấn đề (trượt giá tiêu dùng và tăng năng suất lao động dẫn đến tăng trưởng của nền kinh tế) chứ chưa động chạm đến thiếu hụt tăng LTTV so với nhu cầu của MSTT. Chúng tôi đề xuất mức tăng 13,3% dựa trên công thức tính MSTT do Tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội khuyến cáo đã được 3 bên (Bộ LĐTB&XH, TLĐ và VCCI) thừa nhận. LTTV phải giải quyết được 3 vấn đề, nếu không cuộc rượt đuổi giữa tiền lương và MSTT càng kéo dài bao nhiêu, công nhân lao động càng đau khổ bấy nhiêu.
Tại một cuộc đối thoại giữa ngành LĐTB&XH với DN cách đây vài ngày, có DN sử dụng chục ngàn lao động kiến nghị không tăng LTTV 2018 vì không thể chi trả thêm cộng với tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng từ sang năm?
- BHXH đừng ràng buộc vào lương, mặc dù nó dính vào các mức đề xuất tiền lương. Tôi nghĩ nên tách BHXH ra. Nếu mức đóng BHXH quá cao, chúng ta phải có kiến nghị với Chính phủ. Như tôi đã nói, hiện tại, đời sống của NLĐ còn đang hết sức khó khăn. Đến khu công nghiệp, nhất là nơi có nhiều lao động nữ, chúng ta mới thấy đời sống của họ quá khổ. Mỗi ngày, họ làm việc 8 tiếng chính thức, cộng với khoảng ngần ấy giờ làm thêm. Khảo sát của chúng tôi đã chỉ ra, nếu không làm thêm, công nhân lao động Việt Nam sẽ nghèo. Đó là lý do NLĐ muốn làm thêm giờ, thậm chí nhu cầu này không được giải quyết, họ sẽ đình công. Khi tôi đi tập huấn ở Italia, khi biết việc này, người ta nói với tôi là “ngược đời, trái khoáy”. Họ chưa thấy quốc gia nào, công nhân lao động đình công khi không được làm thêm.
Vì thế, tôi cho rằng, khi đời sống của NLĐ chưa cải thiện thì DN đừng nói đến tăng năng suất lao động. Phải làm sao mức LTTV ngang bằng với MSTT rồi mới bàn đến chuyện khác. Đây là cuộc trao đổi ngang giá, là nguyên tắc thị trường.
Nhưng Chủ tịch HĐTLQG nói, tăng lương quá cao, DN thu hẹp sản xuất, NLĐ có nguy cơ bị sa thải, mất việc?
- Năm trước nữa, LTTV tăng tới 14,6% nhưng có DN nào ngừng sản xuất và sa thải NLĐ đâu? Chỉ có năm 2016 vừa rồi đề xuất mức tăng lương 7,3% cho năm 2017.
Ngày 28/7, HĐTLQG sẽ tiếp tục họp, nếu kịch bản tăng lương ở mức 8% liệu có chấp nhận được?
- Nếu chúng ta quyết định kết thúc mức LTTV bằng nhu cầu sống tối thiểu ở năm 2018 thì phải tăng trên 13%. Còn nếu dãn ra đến năm 2019 hoặc thậm chí 2020 mới kết thúc cuộc rượt đuổi LTTV và MSTT thì có thể phân chia ra. Chẳng hạn, năm 2018 đề xuất mức tăng 7%, năm 2019 tăng 5 - 6% và năm cuối cùng tăng cho đủ với nhu cầu sống tối thiểu.
Xin cảm ơn ông!