Thưa ông, theo cách tính của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) thì hiện nay mức lương tối thiểu (MLTT) đáp ứng được khoảng 85% mức sống tối thiểu (MSTT), trong khi Bộ LĐTB&XH đánh giá con số đó tới 90%. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Thứ nhất, tôi thấy MLTT và MSTT ngày càng tiệm cận gần hơn. Sự chênh lệch giữa cách tính của TLĐLĐVN với Bộ LĐTB&XH không nhiều, chủ yếu là do giá. Thứ hai, quan điểm của TLĐLĐVN tính cả chi phí nuôi con và học hành, nên MSTT cao hơn của Bộ LĐTB&XH tính. Chính mức tính cao hơn đó dẫn đến MSTT có sự chênh lệch nhau. TLĐLĐVN đánh giá MLTT đáp ứng cỡ 85 - 87%, Bộ LĐTB&XH là 90%, tôi cho rằng về cơ bản chấp nhận được vì chênh nhau không nhiều.Trong phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 27/6, các bên đã đưa ra mức MLTT 2018 với khoảng cách khá xa như: TLĐLĐVN đề xuất 13,3%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 2 – 3% và Bộ LĐTB&XH 6 – 7%. Là chuyên gia về lao động, công đoàn, ông nghiêng về đề xuất nào?- Theo tôi hiểu, TLĐLĐVN muốn năm 2018, MLTT được nâng lên ở mức ngang bằng với MSTT, nghĩa là phải trên 10%. Bộ LĐTB&XH muốn kéo dài thêm thời gian để thực hiện MLTT bằng với MSTT. Mỗi bên đều có quan điểm và luận giải riêng, nhưng tôi nghĩ muốn giải quyết vấn đề lương thì phải căn cứ vào thực trạng phát triển của nền kinh tế. Năm 2017 này, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng kinh tế cỡ 6,7% cho thấy nền kinh tế của ta có dấu hiệu phát triển tốt. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với nâng cao đời sống của người lao động (NLĐ). Đành rằng tăng trưởng kinh tế 6,7%, MLTT không nâng được bằng con số này thì NLĐ cũng phải được trả tiền lương thỏa đáng bởi có sự đóng góp rất lớn của họ. Một điều nữa, đó là xem mức độ lạm phát là bao nhiêu để Chính phủ bù phần tương ứng vào tiền lương thực tế. Nếu năm nay tốc độ trượt giá cao thì tăng MLTT cho NLĐ khoảng 10% là thỏa đáng. Mặc dầu hiện giá cả một số mặt hàng thực phẩm phục vụ đời sống giảm nhưng giá dịch vụ về y tế, giáo dục, điện, nước lại tăng. Nếu chúng ta không nâng lương ở mức cao thì khoảng cách giữa MSTT và MLTT lại có sự chênh lệch, thậm chí khoảng cách khá xa.Nâng MLTT vùng lên 10% liệu có đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu?- Tăng 10% theo cách tính của TLĐLĐVN thì chưa đạt 100% MSTT, còn theo Bộ LĐTB&XH thì đáp ứng bởi hiện nay MLTT đang đảm bảo 90%. Tôi cho rằng tăng 10% MLTT là thỏa đáng.VCCI đại diện cho giới chủ sử dụng lao động không muốn tăng MLTT bởi năng suất lao động thấp. Đây có phải là lý do thuyết phục?- Vấn đề thứ nhất, lý do của VCCI đưa ra không có sức thuyết phục, bởi năng suất lao động tăng lên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ NLĐ. Vấn đề thứ hai việc tổ chức lao động nếu không khoa học và sử dụng hợp lý, không thể có năng suất lao động cao. Vấn đề thứ ba, năng suất lao động của NLĐ không thể cao khi người chủ sử dụng lao động không quan tâm đến đời sống của họ. Khi tiền lương của NLĐ không tương xứng với công sức bỏ ra thì họ không thể toàn tâm toàn ý làm việc để tăng năng suất lao động. Vì thế, một trong các yếu tố để năng suất lao động tăng cao là phải quan tâm đến đời sống NLĐ, nghĩa là tăng lương cho họ.Thực hiện MLTT năm 2017, có những DN đã cắt bớt các khoản hỗ trợ cho NLĐ. Làm sao để không xảy ra tình trạng này nếu thực hiện MLTT năm 2018?- Chúng ta cần làm rõ, tiền lương của NLĐ chiếm chủ yếu thu nhập của họ. Nhưng hiện nay, do người sử dụng lao động lách luật, nên tiền lương không trở thành thu nhập chính. Ngoài lương còn có tiền chuyên cần và các hỗ trợ dẫn đến tình trạng NLĐ căn cứ vào lương để đóng các loại bảo hiểm với số tiền rất ít, đồng nghĩa với về hưu được hưởng tỉ lệ phần trăm thấp khiến cuộc sống khó khăn.Chủ trương của chúng ta tăng MLTT vùng để dần tiến tới khi đảm bảo MSTT sẽ giảm dần các khoản ngoài lương. Đó là hướng đi đúng trong tổ chức tiền lương. Còn nếu cứ để các khoản thu nhập ngoài lương không thua kém tiền lương dẫn đến Nhà nước sẽ phải bao cấp các chính sách xã hội sau này. NLĐ chỉ được hưởng cái lợi trước mắt là thu nhập cao nhưng khi hết tuổi lao động, họ được hưởng lương hưu rất thấp.Xin cảm ơn ông!