Ngày 5/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến xung quanh đề xuất nâng mức xử phạt đối với hành vi chở quá tải, lái xe say rượu, đi xe máy, xe thô sơ... trên đường cao tốc với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện mà Ủy ban ATGT Quốc gia mới ban hành. Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và ông Tô Văn Hòa - Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội. Tại buổi tạo đàm, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trên là hợp lý, khi thực hiện sẽ góp phần hạn chế những vụ TNGT đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, với nhiều gia đình xe ô tô là “cần câu cơm”, việc mượn xe, đi xe không chính chủ… không thể thay đổi trong một chiều. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, nếu tiến hành tịch thu phương tiện sẽ vi phạm đến quyền sở hữu tài sản cá nhân… Thậm chí, một số ý còn cho rằng, việc làm này sẽ tạo điều kiện để tham nhũng, mãi lộ gia tăng. Do đó, các bộ ban ngành có liên quan nên cân nhắc lại mức độ vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện. Trả lời câu hỏi về việc, nếu đề xuất của trên được phê duyệt có vi phạm luật xử phạt hành chính, Hiến pháp hay không? Ông Tô Văn Hòa - Trưởng khoa Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đề xuất trên không vi phạm pháp luật và Hiến pháp, bởi trong những quy định hiện hành về việc tịch thu phương tiện vi phạm không đề cập đến quyền sở hữu cá nhân. Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng, không nên xử phạt ngay lần đầu vi phạm. Xung quanh những ý kiến trên, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, khi soạn thảo những đề xuất trên, Ủy ban ATGT Quốc gia đã nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề. Những đề xuất đưa ra hướng đến quan điểm, tăng chế tài không chỉ là xử phạt mà là giáo dục người tham gia giao thông có ý thức hơn với tính mạng của mình, với sự an nguy của xã hội. Đồng thời khẳng định, mức xử phạt trên so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc… còn quá thấp về mức độ xử phạt và đối tượng bị xử phạt.