Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng du lịch Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2019

Tin, ảnh: Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018, vừa được công bố bởi Tổng cục Du lịch Việt Nam tại buổi họp báo vào chiều 9/7.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chỉ đạo điều hành buổi họp báo.  
Tại buổi họp báo chiều 9/7, lãnh đạo Trung tâm thông tin du lịch đã trình bày Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018 - khái quát tình hình du lịch thế giới năm 2018, đặc biệt là các nước khu vực Đông Nam Á; tổng hợp tình hình du lịch Việt Nam qua các chỉ tiêu cơ bản; nêu rõ những đặc điểm nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động như nâng cao năng lực, thể chế, chính sách, lữ hành và vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến du lịch và hợp tác quốc tế. Đối với từng thị trường nguồn trọng điểm, báo cáo đưa ra một số thông tin chi tiết và nhận đinh cơ bản, thể hiện thực trạng và xu hướng trong 5 năm qua.
Yếu tố khách quan
Theo đó, nhiều tiềm năng xen lẫn thách thức đã được chỉ ra đối với du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng thời gian tới, trong đó bao gồm xu hướng tăng trưởng kinh tế được duy trì nhưng không còn mạnh mẽ như những năm trước đây do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ…
Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn so với mức tăng năm 2018 (19,9%) do bối cảnh, xu hướng và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn sau 3 năm tăng cao liên tục, khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ này. Tuy nhiên, mức tăng của du lịch Việt Nam vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng bình quân cảu thế giới (3-4%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (5-6%).
5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 7,3 triệu lượt, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khách du lịch nội địa ước đạt 38,5 triệu lượt, trong đó có 19,4 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 285.700 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2018.
Báo cáo cho thấy, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam có xu hướng tăng cao - cả về du lịch công vụ, tham quan hay nghỉ dưỡng - là kết quả của các hoạt động xúc tiến quảng bá, giao lưu, trao đổi thương mại, đầu tư, văn hóa và thể thao giữa hai nước. Quốc gia này, cùng với Trung Quốc, tiếp tục là 2 thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt, tuy nhiên lượng khách du lịch Trung Quốc nay có khả năng chững lại do kinh tế nước này gặp khó khăn hơn trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại với Mỹ.
Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực hiện cũng đã cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế thông qua những chính sách như phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh…
Hạn chế chủ quan
Bên cạnh những điểm mạnh như sự quan tâm của các cấp chính quyền, nỗ lực cảu các DN và địa phương hay năng lực vận tải ngày một tiến bộ của Việt Nam, báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2019 đã chỉ ra bốn điểm yếu tự thân có khả năng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của du lịch nước nhà.
Thị trường khách du lịch nội địa 2019 sẽ tiếp tục sôi động với hàng loạt các chương trình kích cầu của các hãng hàng không, dịch vụ lữ hành và cơ sở lưu trú… với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,5-8,5%, tổng thu dự báo tăng khoảng 10-12% so với năm 2018.
Trước hết, mức tăng khách du lịch cao liên tục trong 3 năm (2015-2018) đã khiến năng lực, sức chứa tại nhiều trung tâm du lịch vào một số thời điểm vượt quá giới hạn. Khách du lịch tập trung quá đông tại một điểm gây ra tình trạng quá tải, không thể đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ, kiểm soát giá cả không chặt chẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam.
Thứ hai, như đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, mức độ mở cửa quốc tế, hạ tầng dịch vụ của Việt Nam còn hạn chế so với yêu cầu. Thứ ba, sự phát triển mới được hình thành tại nhiều địa bàn trọng điểm có thể chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, có tính bền vững. Cuối cùng, nhiều chính sách, hoạt động quản lý và xúc tiến du lịch Việt nam vẫn còn chưa linh hoạt và thiếu tính đồng bộ cao.