Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao hơn

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ vọng tăng trưởng năm 2017 sẽ đạt được mục tiêu căn cứ vào nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là đà tăng trưởng cao lên qua các quý sẽ được tiếp tục trong năm 2017.

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2016 đạt cao nhất so với 5 năm qua, sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Năm 2016, với việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đã có hàng trăm nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều đó không chỉ chứng tỏ môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện mà còn tác động không nhỏ tạo ra lực lượng xung kích cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Về mặt toán học, khi số gốc so sánh là tăng trưởng kinh tế năm 2016 bị thấp xuống thì tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao lên.
 Ảnh minh họa
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 với nhiều cam kết hội nhập thế hệ mới được đưa vào thực hiện, thì việc đưa ra kế hoạch tăng 6 - 7% là có tính khả thi, thậm chí thực tế có thể còn tăng cao hơn. Xuất khẩu gạo có thể tăng trở lại với thị trường Philippines nhập khẩu 3 triệu tấn. Cũng do cam kết hội nhập và do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước với tốc độ tăng cao hơn năm trước, thì nhập khẩu sẽ tăng cao hơn năm trước (theo số liệu mới nhất tăng 5,2%). Do vậy, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam sẽ chuyển từ xuất siêu (trên 2,5 tỷ USD) sang nhập siêu. Tuy nhiên, dự báo mức nhập siêu có thể không lên đến 3,5%, với mức tuyệt đối khoảng 6,5 tỷ USD như chỉ tiêu kế hoạch. Cảnh báo này có liên quan đến một nội dung cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng là cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ, tỷ giá...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân theo kế hoạch năm 2017 cao hơn năm 2016 (4% so với 2,66%), nhưng nếu tính theo cách tính lâu nay (tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước) thì có thể không cao hơn và vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan với lạm phát, bởi tăng trưởng kinh tế cao hơn đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, nới lỏng chính sách tiền tệ - tín dụng hơn. Hệ số giữa tổng dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao; tốc độ tăng tín dụng tiếp tục cao gấp gần 3 lần tốc độ tăng GDP. Trong khi hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp, bội chi ngân sách tăng... Đáng lưu ý, giá hàng nhập khẩu, nhất là xăng dầu, tính bằng USD tăng, cộng hưởng với tỷ giá VND/USD tăng, sẽ làm cho chi phí nhập khẩu tính bằng VND sẽ tăng cao hơn. Ngoài ra, lương tối thiểu tăng vào giữa năm; việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá vẫn tiếp tục. Cũng cần hết sức quan tâm đến yếu tố tâm lý, thậm chí hốt hoảng thái quá trước các tin đồn.
Tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP theo kế hoạch năm 2017 thấp hơn tỷ lệ của năm 2016. Có nhiều yếu tố tác động. Một yếu tố quan trọng là yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính... đòi hỏi quyết liệt tiết kiệm chi, chi tiêu có hiệu quả... Một yếu tố khác là cách tính (không còn gồm việc trả vốn gốc). Tuy nhiên, cân đối ngân sách vẫn là vấn đề lớn nhất cho năm tới, vì nợ công, nợ Chính phủ/GDP tăng nhanh, có loại đã vượt trần, phải nới trần. Điều quan trọng là vay nợ mới để trả nợ cũ; phần đầu tư công lại kém hiệu quả do phân tán, thi công chậm, lãng phí thất thoát lớn (suất đầu tư tăng trưởng của khu vực kinh tế Nhà nước cao gần gấp đôi suất đầu tư tăng trưởng của khu vực ngoài Nhà nước)...