Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có vấn đề
Theo quan điểm của PGS.TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, tăng tuổi nghỉ hưu là quy luật sinh học và thực tiễn. Khi mức sống của người dân được cải thiện, thì tuổi thọ bình quân cũng tăng theo và hiện nay là 73,2 tuổi. Quy mô dân số hiện tăng không đáng kể, nhưng số người già sẽ tiếp tục nhiều hơn lực lượng trẻ. Nói cách khác, trước đây, 4 người đi làm nuôi 1 người, dần giảm còn 2 người làm việc nuôi 2 người, đồng nghĩa gánh nặng tăng lên gấp đôi. Thế nên, khi Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án tuổi nghỉ hưu, trong đó kéo dài thời gian làm việc của lao động nữ đến 58, nam 62, ông Tiến cũng như nhiều chuyên gia khác không đồng tình. Thứ nhất vì tuổi thọ bình quân của người dân tăng nhưng chưa đến mức kéo dài tuổi làm việc ngay. Nhất là khi hiện nay, nhiều người bước qua tuổi 60 luôn phải sống trong bệnh tật dai dẳng. Mức sinh của người Việt Nam giảm, nhưng theo các nhà dân số học, chưa đến lúc phải vội vàng tăng tuổi nghỉ hưu. Thị trường lao động trong nước đang cung lớn hơn cầu, số người trẻ thất nghiệp nhiều cũng là vấn đề cần tính toán khi tăng tuổi nghỉ hưu. Tất nhiên, chúng ta sẽ thực hiện mục tiêu phát triển số DN lên 1 triệu thì số việc làm mới vẫn chưa thể đáp ứng được cầu.
Bây giờ bàn chuyện tuổi nghỉ hưu cho năm 2020 là hơi sớm. Là người chuyên nghiên cứu về công đoàn và lao động, PGS.TS Dương Văn Sao - Đại học Công đoàn cho rằng: Khi nền kinh tế phát triển, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ thuận lợi; còn ngược lại rất khó giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư và mới gia nhập thị trường. Mọi người kỳ vọng, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh việc đầu tư mạnh của nước ngoài sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, cũng có thể sức ép hàng hóa các nước tràn vào khiến hàng loạt DN của Việt Nam sản xuất cầm chừng, thì tăng tuổi nghỉ hưu sẽ phản tác dụng. Hệ lụy là thất nghiệp ngày càng gia tăng. “Nếu tăng đồng loạt tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam, 58 với nữ dẫn đến rất nhiều người lao động (NLĐ) không đủ sức khỏe để làm việc tiếp, phải về nghỉ sớm. Hưởng phần trăm lương hưu thấp, họ phải sống trong cảnh nghèo khó, buộc Nhà nước lại phải thực hiện chính sách xã hội. Vậy là số tiền Nhà nước bỏ ra hỗ trợ nhiều hơn so với quỹ bảo hiểm thu được của những đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu” - ông Sao cảnh báo.
Mở khoảng cách tuổi nghỉ hưu
Khi tuổi thọ tăng, xu hướng của nhiều nước trên thế giới đều điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì Việt Nam kéo dài tuổi làm việc là tất yếu. Tuy nhiên, tại thời điểm này, với những yếu tố phân tích ở trên, nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là vấn đề. Vì thế, PGS.TS Dương Văn Sao đề nghị mở rộng khoảng cách tuổi về hưu, thay vì quy định tất cả. Chẳng hạn, chúng ta vẫn thực hiện quy định nam đủ 60, nữ 55 tuổi về hưu, ai đủ sức khỏe được làm thêm mỗi năm 3 tháng. Hướng đi này giải quyết được sức ép việc làm, giảm biên chế, đồng thời bổ sung lực lượng trẻ vào khu vực hành chính sự nghiệp, Nhà nước không phải mất khoản tiền hỗ trợ những người gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng không kiếm được việc làm.
Theo quan điểm của TS Phạm Đỗ Nhật Tân – nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH), trong điều kiện hiện tại, nên có điều chỉnh khác nhau về tuổi nghỉ hưu giữa lao động làm việc trong khối hành chính, sự nghiệp với NLĐ ở DN, giữa NLĐ nam và nữ. Chẳng hạn, nếu có lộ trình điều chỉnh NLĐ khu vực hành chính sự nghiệp 2 năm tăng 1 tuổi thì NLĐ trong DN trực tiếp sản xuất là 3 năm tăng 1 tuổi. Giai đoạn đầu, có thể mức tăng tối đa của nam từ 1 - 2 tuổi, nữ 2 - 3 tuổi tùy theo từng lĩnh vực làm việc. Kết thúc giai đoạn, cần có khoảng thời gian đánh giá tác động tích cực, cũng như tiêu cực để có điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới. Mặt khác, nên rà soát lại tổng thể danh mục NLĐ làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đưa ra khỏi danh sách một số công việc có điều kiện làm việc được cải thiện cũng như bổ sung một số công việc, lĩnh vực mới. Trên cơ sở đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho đối tượng này hợp lý hơn. Trước mắt, trong giai đoạn đầu, tuổi nghỉ hưu của họ nên duy trì như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến này, một số chuyên gia có quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu từ từ, có lộ trình và trước mắt thực hiện ở một số nhóm đối tượng với thời gian kéo dài khác nhau. Nếu như nhóm công chức, khoa học, làm chính trị, hành chính có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu thì NLĐ làm trong ngành da giày, dệt may, cao su không nên tăng bởi điều kiện về sức khỏe khó đảm bảo. Cho dù có những đề xuất nào, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo các điều kiện về việc làm, ổn định xã hội; phù hợp với thực tiễn đất nước, cũng như sức khỏe và điều kiện làm việc của NLĐ, và có chính sách đồng bộ đảm bảo cho mọi người có cơ hội được làm việc.
PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân: Không phải là giải pháp lớn cân bằng quỹ bảo hiểm Kéo dài tuổi nghỉ hưu theo hình thức mỗi năm tăng thêm 3 tháng là hợp lý để tránh tạo cú sốc cho NLĐ phải làm việc thêm từ 2 - 3 năm liền. Tuy nhiên, để làm chậm hơn thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, không gây sức ép cho xã hội, Bộ LĐTB&XH nên có các kịch bản mỗi năm tăng thêm 1 hoặc 2 tháng và tính số NLĐ tiếp tục làm việc, người mới tham gia thị trường lao động bao nhiêu. Chắc chắn, tăng tuổi nghỉ hưu không thể cân bằng được quỹ hưu trí, mà chỉ kéo dài thêm một thời gian ngắn. Vì chúng ta mất cân đối từ việc thiết kế hệ thống quỹ với mức đóng quá thấp và hưởng quá cao. Để giải bài toán cạn kiệt nguồn quỹ, cần phải cải cách một cách cơ bản quan hệ đóng - hưởng. Thạc sĩ Nguyễn Thị Cúc - Giáo viên Lịch sử Trường THCS Lê Quý Đôn, Hà Đông: Tăng tuổi nghỉ hưu, giáo viên tiếp tục được cống hiến Tôi thấy phương án tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ 58 phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với giáo viên. Bởi vì họ ở độ tuổi đã rất “chín” về mọi mặt, việc giảng dạy trơn tru hơn. Với một tấm lòng nhiệt huyết, thì ở tuổi đó là thời kỳ cống hiến nhiều nhất. Và, khi có niềm đam mê được cống hiến sẽ là niềm vui, hạnh phúc của họ. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ và tiền lương phù hợp đối với công việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đối với giáo viên. Bởi ở độ tuổi đã “chín”, dày dạn kinh nghiệm và đam mê nhiệt huyết mà không đủ điều kiện sức khỏe, vật chất thì khó có thể cống hiến, đam mê được. PGS.TS Vũ Quang Thọ Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: Thời điểm này chưa thích hợp Năm 2017, 2018 chưa phải là lúc thích hợp để kéo dài tuổi nghỉ hưu, vì số DN tăng trưởng nhưng chưa lớn mạnh. Số người thất nghiệp rất nhiều, đặc biệt rơi vào lứa tuổi từ 20 – 24 có sức trẻ, khỏe, được đào tạo cơ bản; nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây bức xúc lớn trong xã hội. Trước mắt vẫn nên duy trì tuổi nghỉ hưu của nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Trong tương lai sẽ điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với điều kiện kinh tế tăng trưởng mạnh, khả năng hấp thụ nguồn nhân lực tốt và thị trường tạo ra nhiều việc làm hơn. |