Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tuổi nghỉ hưu và câu hỏi cuộc sống về già có tốt hơn không?

Theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Thực tế bài học kinh nghiệm tăng tuổi nghỉ hưu ở một số quốc gia cho thấy việc điều chỉnh này lại ít ảnh hưởng tới việc làm của lao động trẻ như nhiều người đang lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, điều đáng lưu tâm nhất về tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu chính là những nhóm người lao động sẽ bị chịu ảnh hưởng bất lợi từ chính sách này.

Ít ảnh hưởng tới lao động trẻ
Số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng lực lượng lao động tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 4,1 triệu người từ năm 2010 đến năm 2015. Tuy nhiên sau đó, tốc độ gia tăng này sẽ chậm lại một cách đáng kể. Trong giai đoạn từ 2025 đến 2030, lực lượng lao động sẽ chỉ tăng 1,3 triệu, nghĩa là ít hơn 70% so với hiện tại. Như vậy, lực lượng lao động sẽ giảm và Việt Nam có thể đối mặt với việc thiếu lực lượng lao động trong tương lai.
Tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ, nhưng trong một tương lai xa hơn, những áp lực việc làm này sẽ không còn quá rõ ràng như hiện tại nếu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với cấu trúc dân số đang thay đổi.
 Đa số những người về hưu trước tuổi là công nhân lao động. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho rằng trong dài hạn, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình linh hoạt có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động ở Việt Nam.
“Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến nguồn cung lao động tăng lên đáng kể và chênh lệch thặng dư giữa thu nhập và chi tiêu của toàn bộ nền kinh tế kéo dài đến tuổi 56 (so với không tăng tuổi về hưu là 53). Kéo dài thời gian lao động sẽ giúp tăng thuế thu nhập, giúp tăng thu của ngân sách nhà nước,” bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian lao động của nhóm lao động lớn tuổi có thể sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến xác suất có việc làm và khả năng thất nghiệp của nhóm lao động trẻ. Mặt khác, tăng tuổi nghỉ hưu còn làm giảm gánh nặng về an sinh xã hội cho ngân sách từ một nhóm đối tượng lớn là lao động lớn tuổi.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng dự báo việc tăng tuổi nghỉ hưu trong ngắn hạn sẽ làm tăng cung lao động, đặc biệt là lao động cao tuổi sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp hàng năm, đặc biệt là lao động trẻ. Hiện nay, tâm lý của đa số người lao động muốn về hưu, thậm chí còn sớm hơn tuổi quy định.
“Nhưng đó chỉ là những cảm nhận bên ngoài, hoặc là tức thời. Bởi vì, vấn đề việc làm do tăng trưởng kinh tế quyết định, nếu như kinh tế không đạt được mức kỳ vọng thì cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cầu lao động…” bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Chính sách sẽ “bỏ lại” những ai?
Có lẽ mối lo ngại thực sự của việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải đến từ những người chưa có việc làm mà lại là những người lao động đang làm việc, những công nhân trực tiếp sản xuất. Liệu kéo dài tuổi nghỉ hưu có khiến họ giữ được việc làm lâu hơn, thu nhập tốt hơn hay không?

Ông Lê Đình Quảng, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng cần phải nhìn nhận vào thực tế, ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp hiện nay không còn tuyển lao động 30-35 tuổi, đối với lao động trực tiếp sản xuất ngoài 40 tuổi tìm việc hết sức khó khăn.
Theo ông Lê Đình Quảng, chính sách phải đánh giá phân biệt được tác động đến từng đối tượng, nếu chỉ nghĩ đến những tác động đối với cán bộ công chức thì khi đưa ra sẽ khó được chấp nhận. Hiện nay, người lao động sẵn sàng chấp nhận nghỉ hưu trước tuổi với mức lương thấp hơn do chất lượng việc làm.
“Thực tế đa số những người về hưu trước tuổi chủ yếu là lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, cán bộ cơ quan nhà nước ít về hưu trước tuổi. 65% người về hưu với mức lương thấp hơn do về hưu sớm, biết là thiệt thòi nhưng người ta vẫn chấp nhận vì không đủ điều kiện kéo dài thời gian làm việc,” ông Lê Đình Quảng nói.
Phân tích đánh giá tác động của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải đưa ra được những khía cạnh, đối tượng chịu tác động của chính sách. Những tác động tích cực và cả tiêu cực cần được đưa ra như một “bức tranh đầy đủ” để các nhà hoạch định chính sách có thể lựa chọn một phương án, lộ trình thích hợp mà sẽ không ai bị “bỏ lại phía sau”.
Tiến sỹ Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Dự án Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh (Tổ chức GIZ) cũng lưu ý: “Cần phải đánh giá được những ai sẽ bị ảnh hưởng bởi cải cách. Mỗi chính sách đều có hai chiều lợi ích và ảnh hưởng, vì vậy cần phải xác định được những ai sẽ chịu thiệt thòi và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực. Chúng ta càng phân tích, dự báo tác động càng chi tiết càng tốt cho việc thực hiện chính sách.”
Những yếu tố khách quan như già hóa dân số, mất cân đối quỹ hưu trí… đang đòi hỏi cần phải tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, người lao động phải làm việc lâu hơn, dài hơn. Thế nhưng ai sẽ trả lời được chính xác câu hỏi của cá nhân những người lao động rằng tăng tuổi nghỉ hưu thì họ sẽ được gì? Liệu họ có một cuộc sống về già tốt hơn không? Có lẽ, câu trả lời về quyền lợi của người lao động trong quỹ hưu trí chính là điều mà người lao động quan tâm nhất.