Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội: Nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trong đó công tác tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được coi là giải pháp trọng tâm.

 
Giảm thời gian đóng, tăng hỗ trợ
Thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10/2019 số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,898 triệu người. Đối tượng tham gia BHXH dần mở rộng, tỷ lệ bao phủ dần được tăng lên, ước tính hết năm 2019 đạt bao phủ là 32,5% trong tổng số lực lượng lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 488.000 người, chiếm khoảng 0,9% trong lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện này vẫn còn rất nhỏ nếu so với khoảng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hiện nay. Đặc biệt đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất thấp và khó khăn. BHYT đạt khoảng 85,238 triệu người, tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số. Hiện vẫn còn 11% dân số với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT, số người này thuộc các nhóm đối tượng như: Hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình…

Để khuyến khích mọi người dân tham gia BHXH tự nguyện, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với người tham gia thuộc các đối tượng khác… trong suốt 10 năm đầu tham gia; Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, hiện nay mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn hạn chế, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn chính sách. Đồng thời, mức chi hoa hồng còn thấp, chưa linh hoạt như các DN bảo hiểm thương mại khác…

Thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Từ thực tiễn trên, cơ quan bảo hiểm đề xuất tăng hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, phấn đấu đạt nhanh tốc độ tăng BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của T.Ư khóa XII; Ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia BHYT. Thúc đẩy bao phủ BHYT đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên… nhằm thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như điều chỉnh quy định giảm điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu xuống 15 năm, tiến tới chỉ còn 10 năm (hiện nay quy định là 20 năm). “Bên cạnh đó, tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT, đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Nghiên cứu để bổ sung thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân”. Đối với BHYT, theo ông Bùi Sỹ Lợi, một trong những yếu tố bảo đảm cho tỷ lệ bao phủ BHYT tăng cao là chất lượng khám, chữa bệnh BHYT phải được nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở. Ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…