Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng vốn cho Agribank, nhu cầu cấp thiết

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, nhưng thời gian qua chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Do đó tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.

 Khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
9 năm chưa được tăng vốn điều lệ
Tăng vốn điều lệ cho ngân hàng để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng là vấn đề cần thiết với nhóm ngân hàng quốc doanh vốn có ít quyền chủ động hơn so với các ngân hàng thương mại. Với Agribank, do là ngân hàng 100% sở hữu Nhà nước nên vốn điều lệ chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách. Tuy nhiên, Agribank chưa được tăng vốn điều lệ trong 9 năm qua khiến tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn sụt giảm mạnh và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tại cuối năm 2019 chỉ đạt 7,3%, tại cuối tháng 3/2020 chỉ đạt 6,9%, không bảo đảm yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.
Năm 2019, Agribank đã nộp NSNN 6.300 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank dự kiến vẫn đóng góp cho ngân sách tương đương năm ngoái, trong đó riêng khoản lợi nhuận sau thuế đóng góp cho ngân sách là hơn 3.500 tỷ đồng (nếu không được tăng vốn). Như vậy, khoản 3.500 tỷ đồng ngân sách cấp cho Agribank năm nay (nếu được Quốc hội thông qua) được lấy từ chính lợi nhuận của ngân hàng.
Do chưa đáp ứng chuẩn mực Basel II nên Agribank đang được thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn vào cuối 2019 là 9,2%, cận kề ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, nếu không được cấp vốn điều lệ trong năm nay, Agribank tăng trưởng tín dụng cao nhất chỉ 5%, không đạt chỉ tiêu 9 - 10% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao. "Lợi nhuận cũng sẽ giảm hơn 20% về mức 11.000 tỷ, trong khi nếu tăng được vốn ngân hàng dự kiến lãi trên 12.000 tỷ" - bà Phượng nói. Lãnh đạo Agribank cho biết thêm, ngân hàng cũng đã dùng mọi cách để chủ động tăng vốn, tuy nhiên dư địa phát hành trái phiếu cũng gần cạn nên chỉ có cách Nhà nước cấp vốn để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông thôn.
Hiện nay, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đang của Agribank chiếm 70% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Tổng số tiền lãi mà Agribank đã hỗ trợ cho khách hàng theo các chương trình hỗ trợ, cấp bù chênh lệch lãi suất đến ngày 31/12/2019 là 4.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền mà Agribank chưa được NSNN thanh toán cấp bù là 2.838 tỷ đồng. Việc ngân sách chậm chi trả tiền cấp bù gây khó khăn lớn cho ngân hàng trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Xin cấp lại 3.500 tỷ đồng từ nguồn lãi sau thuế
Vào ngày 8/6 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank bằng nguồn tăng thu tương ứng lãi sau thuế ngân hàng này nộp ngân sách năm 2020. "Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, nhất là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói. “Ngoài ra, các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là hiện hữu” - ông Lê Minh Hưng nói.Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất của Chính phủ về nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Agribank lấy từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư 2019. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, nếu Quốc hội chấp thuận, Chính phủ, NHNN phải bảo đảm việc bổ sung vốn đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định về sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách; chỉ đạo Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật.